Giá thể – Yếu tố cốt lõi xây dựng nền móng cho cây – Phần 1

gia-the-trong-cay

Giá thể là yếu tố quan trọng hàng đầu của cây trồng, đặc biệt là hoa hồng. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân gây bệnh tìm ẩn, nguy hiểm nhất khiến cây “đứt gánh” không kịp trở tay nếu không biết cách trộn và sử dụng đúng.

Một giá thể tốt sẽ giúp cây tối ưu tăng trưởng rễ, “ăn” chất dinh dưỡng để nuôi các bộ phận còn lại. Ngược lại, giá thể xấu ảnh hưởng nặng nề đến sức đề kháng, làm cây dễ bị nấm bệnh tấn công. Một số bệnh dễ bắt gặp nhất khi giá thể có vấn đề là thối rễ, đen thân – cành, đốm đen, khô cành, cây đóng nụ sớm, cành ngắn, vàng lá,…Vậy… thế nào là một giá thể “đạt chuẩn” cho hoa hồng? Mọi người hãy cùng tìm hiểu với Docneem qua bài viết này nhé

1. Bạn đã biết gì về giá thể?

Giá thể là cụm từ có vẻ quen thuộc, nhưng Docneem chắc rằng rất nhiều bạn đang nhầm lần và cho rằng giá thể là đất. Vậy nên đầu tiên, hãy tìm hiểu xem bạn đã định nghĩa đúng về nó chưa nhé!

Giá thể là…

Giá thể (hay chất trồng) còn có tên gọi khác là thể nền. Thông thường, với bạn trồng hoa hồng, đặc biệt ở thành thị thì không có quá nhiều không gian trồng cây nên sẽ trồng ở một không gian hẹp như chậu. Và 2 loại giá thể phố biến thường gặp là (1) giá thể đất trộn (Potting soil) và (2) giá thể không có/ rất ít đất (Potting mix). Điều này gây cản trở và khó khăn rất nhiều cho sự phát triển của cây. Đó cũng chính là lý do giá thể cần có nhiều thành phần khác nhau để hỗ trợ cây hấp thụ dinh dưỡng.

1-gia-the-cho-cay-trong

Giá thể có thể có thể có hoặc không có đất trồng

Nhiệm vụ chính của giá thể là gì?

Không chỉ đơn thuần giúp cây có thể đứng và bảo vệ rễ khỏi các tác nhân bên ngoài môi trường, giá thể còn đảm nhận vao trò cung cấp dinh dưỡng, là đất tơi xốp, thoáng khí giúp rễ hô hấp hoặc thoát nước và đảm bảo cân bằng độ pH ở mức trung tính, phù hợp cho cây,…

Giá thể có những loại nào?

Đây là câu hỏi được khá nhiều bạn thắc mắc vì nghĩ rằng giá thể thì chỉ để trồng cây thôi, phân loại thì phân loại thành gì đây!

Tùy thuộc vào nhu cầu, bản chất đất trồng mà giá thể được xây dựng và phân loại theo đặc tính riêng biệt, đảm bảo PHÙ HỢP với:

  • Nhu cầu của cây trồng: giá thể dùng để trồng rau, cây cảnh hay bonsai,…
  • Nguyên liệu giá thể sẵn có tại vùng địa lý: xơ dừa, trấu, phân chuồng, xác thực vật, động vật,…
  • Điều kiện khí hậu như nắng – mưa hoặc nhiệt độ nóng – lạnh khác nhau
  • Thời gian sử dụng với từng loại cây như cho cây con, cây giống hay cây trồng lâu năm…

Và trong bài viết này, Docneem sẽ đề cập nhiều hơn về những loại giá thể cho hoa hồng nhé

2. Giá thể được cấu tạo bởi những thành phần nào?

Nếu chỉ riêng về đất, đất trồng trong tự nhiên được cấu thành bởi 2 thành phần chính là thể rắn và thể khí. Tỉ lệ giữa 2 thành phần này có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đất vì liên quan mật thiết đến hiệu quả lưu giữ chất dinh dưỡng cũng như thoát nước và hô hấp của rễ.

  • Thể rắn (phần thể tích hạt) sẽ bao gồm những loại hạt ở thể rắng như đá, sỏi, cát, bụi, hạt hữu cơ,…
  • Thể khí (phần thể tích rỗng) sẽ chứa chất lỏng, các loại sinh vật trong đất và các chất khí

Nếu xét về giá thể, chúng ta có thể nhìn theo hướng chi tiết hơn để dễ đánh giá với 4 thành phần gồm có:

Thể hạt

Thể hạt giúp cung cấp dinh dưỡng và giúp rễ cây bám vào, giúp cây đứng vững và không đổ ngã. Nó sẽ bao gồm những loại của đất cùng các thành phần trộn thêm khác như phân bón, trấu, than, đát bọt núi lửa (pumice, perlite), đất xốp nung,..

Thể lỏng

Đây là các dung dịch đất gồm có nước, acid, kiềm, các khoáng chất và dinh dưỡng hoà tan… Mùa mưa sẽ khiến thể lỏng tăng lên. Nếu để toàn bộ kẽ rỗng của giá thể bị nước lấp đầy có thể khiến rễ bị ngộp thở, úng thối,..

2-re-cay-khoe-khi-gia-the-tot-docneem

Bộ rễ khỏe với giá thể phù hợp

Thể khí

Thể này sẽ là các loại khí có lợi và cả có hại, chúng tồn tại len lỏi trong các kẽ hở của giá thể, gồm có O2 (oxi), H2S (hidro sunfua), CH4 (metan), CO2 (carbonic). Nếu để nước lấp đầy các kẽ hở này, đặc biệt vào mưa mưa, sẽ khiến không khí sẽ bị đẩy toàn bộ ra khỏi giá thể làm rễ bị thiếu hụt O2

Sinh vật đất

Các sinh vật này bao gồm vi khuẩn (hiếu khí, kỵ khí), xạ khuẩn, vi nấm, giun đất, các loài bọ, ấu trùng, ve, kiến,.. Những sinh vật này tùy có thể bảo vệ, cộng sinh hoặc làm tổn thương đến rễ cây tùy thuộc vào môi trường hoặc điều kiện sống. Ví dụ như nếu giá thể bị ngập nước thiếu oxi sẽ khiến sinh vật đất yếm khí phát triển và có thể gây hại rễ. Ngược lại nếu giá thể có độ ẩm vừa đủ thì lượng oxi trong đất tăng khiến đất khoẻ mạnh giúp rễ cây phát triển tốt,…

3. Một số nguyên liệu thường dùng trong trộn giá thể hoa hồng

Dựa trên 4 thành phần cấu tạo nên giá thể, chúng ta có thể sử dụng phối hợp và trộn các 4 thành phần chính sau đây:

Đất

Loại này thường sẽ đi kèm với thổ nhưỡng khi vực địa lý. Như vùng Tây Nguyên sẽ có đất đỏ bazan, vùng đồng bằng sẽ có đất phù sa,… và các loại đất khác như đất sét, đất cát, đất thịt…

Vật liệu làm tơi đất

Độ tơi thể hiện sự dính kết của đất, đất càng tơi càng dễ cày xới, đất cát rất tơi còn đất sét thì rất dính bết. Chúng bao gồm các loại hạt nhỏ được phối trộn với nhau để giảm đi tính dính của đất như cát, trấu tươi, trấu hun, xơ dừa…

3-gia-the-tu-xo-dua-docneem

Tuy chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng xơ dứa hầu như không thể thiếu khi trộn giá thể

Xơ dừa là phần của vỏ trái dừa được xé ra. Loại sản phẩm này sử dụng rộng rãi trong các ngành thủ công mỹ nghệ hoặc dùng để phủ lên gốc của những cây trồng, giá thể (để trồng rau). Ngoài ra người ta còn phát hiện ra rằng xơ dừa có thể được dùng để xử lý nước thải rất tốt. Ngoài ra người ta còn dùng sơ dừa làm áo giáp chống đạn ở Malaysia, đây được coi là áo giáp nhẹ nhất – Theo Wikipedia

Vật liệu làm xốp đất

Độ xốp là độ rỗng của đất, đất càng xốp thì càng thoáng khí, bao gồm những chất liệu nhẹ, chưa lỗ rỗng giúp cải thiện độ thoát nước và thu hút không khí lưu thông. Điển hình cho vật làm xốp là các loại đá bọt núi lửa như pumice, perlite, vermiculite, đất nung (akadama, sfarm, keramzit, xỉ than…), trấu tươi, trấu hun, xơ dừa, vỏ lạc…

Dinh dưỡng

4-da-perlite-nui-lua-gia-the-docneem

Đá perlite có giá cao nhưng là nguyên liệu không thể thiếu cho giá thể dài hạn

Dinh dưỡng là những loại phân bón phù hợp với môi trường trồng chậu được lựa chọn để trộn một phần vừa đủ vào giá thể nhằm cung cấp cho cây. Dinh dưỡng thường gặp nhất có thể kể đến phân chuồng, phân tan chậm, lân khó tan bón lót…hoặc phân bón hữu cơ giải phóng chậm neem cake

4. Ưu – nhược điểm các nguyên liệu trộn giá thể thường gặp

Như Docneem đã đề cập, việc sử dụng giá thể không đúng cách có thể gây hại cho cây, đặc biệt là không có một loại giá thể nào tuyệt đối, áp dụng đúng cho tất cả mọi người. Do đó, Docneem sẽ liệt kê ưu nhược điểm của từng thành phần để bạn cân đối và chọn loại phù hợp cho cây nhà vườn mình.

Đất trộn giá thể

Trải qua các tác động của môi trường qua hàng thể kỷ, đá sẽ bị bào mòn, phong hóa thành đất. Do đó, hầu hết các loại đất hiện nay đều có nguồn gốc từ đá nên mọi thuộc tính của đất như chất lượng, màu sắc đều phụ thuộc vào đá mẹ (đá bị phong hóa).

Nếu phân loại theo thành phần hạt, có thể tạm chia thành 3 loại gồm đất pha cát, đất sét, đất thịt

  • Đất pha cát thường gặp ở các vùng ven biển – nơi chuyên trồng những loại cây thu hoạch củ như khoai tây, lạc (đậu phộng), khoai lang,.. Ưu điểm đất pha cát là độ kết dính thấp nên tơi, giúp cây thoát nước tốt. Tuy nhiên, vì thoát nước quá tốt nên khả năng giữ dinh dưỡng của loại đất này thấp. Do vậy, cây trồng trên loại đất này thường không được bón phân số lượng lớn 1 lần mà phải bón rải đều mỗi lần một ít để tránh bị trôi theo nước. Nếu trồng hoa hồng, bạn cũng không cần trộn quá nhiều thành phần này

5-gia-the-dat-cat-docneem

Đất pha cát có nhiều ở khu vực ven biển được trộn giá thể với tỉ lệ nhỏ

  • Đất sét chứa nhiều hạt nhỏ cấu thành nên độ rỗng thấp và bám dính cao nên lưu giữ được chất dinh dưỡng lâu. Tuy nhiên, tính dính rất cao nên nó giữ dinh dưỡng khó giải phóng cho cây hấp thụ và gây tình trạng khó thoát nước, kém thoáng khí dễ gây hư rễ. Sử dụng loại đất này, bạn nên độn nhiều các vật liệu tạo tơi và tạo xốp để cải thiện độ thông thoáng khí nhé.
  • Đất thịt là loại đất khá lý tưởng phù hợp cho nhiều loại cây trồng. Loại đất này trung gian giữa hai loại đất cát và đất sét với 3 thành phần hạt cát, limon và sét đồng đều nhau.

Nếu phân loại theo nguồn gốc, các loại đất sẽ được phân loại gồm: đất vườn (đất thịt), đất đồi (tơi và mịn tương tự đất thịt, gồm có đất đỏ bazan, đất đỏ vàng, nây vàng, nâu đỏ,…), đất phù sa (có một ít cát), đất màu (đất có một ít sét), đất ruộng lúa,…

Về cơ bản, hầu hết mỗi loại đất sẽ phù hợp trồng từng loại cây khác nhau và hầu như các loại đất có màu tương tự nhau như vàng, vàng nhạt, nâu, nâu đỏ, đỏ, đỏ vàng,….và tơi mịn đều có thể dùng trộn giá thể cho hoa hồng. Nếu dùng các loại đất ruộng, bạn nên lưu ý tránh dùng đất ở những vùng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn và gần nơi có nhiều rơm chưa hoai mục, đặc biệt là đất sử dụng quá nhiều thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hoặc bón phân hoá học vì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây.

Vật liệu làm tơi giá thể

  • Cát – loại vật liệu làm tơi đất lý tưởng và có thể được trộn tới tỷ lệ 50/50 để làm tơi đất sét trước khi phối trộn với các loại vật liệu khác. Ưu điểm là rẻ, dễ kiếm, khả năng vượt trội, bền vững, không làm thay đổi tính chất hoá học của giá thể nhưng nhược điểm là nặng, giữ nhiệt, làm giá thể trơ cứng.
  • Trấu tươi, trấu hun: giá rẻ, dễ kiếm, nhẹ, do thành phần chủ yếu là silicat nên mức độ ảnh hưởng hoá học tới giá thể ở mức trung bình và có thể chấp nhận được. Trấu sau khi hoai mục vẫn giữ được độ tơi cho giá thể. Nhược điểm của trấu là khá nhanh phân huỷ dẫn đến gây ra hiện tượng xốp ảo vì nhanh xẹp, trộn nhiều sẽ làm giá thể kém chắc chắn dễ làm cây đổ ngã. Nếu dầu trấu, bạn nên đảm bảo trong mức độ dưới 10% để tạo tơi, và dưới 40% để tạo xốp, 4-8 tháng thay 1 lần

6-trau-hun-gia-the-docneem

Trấu sau khi được hun có màu xám đen thường dùng trong giá thể ngắn hạn

  • Xơ dừa, vỏ cà phê, lạc xay vụn, mụn gỗ, mùn cưa, vỏ cây khô thì khá rẻ, dễ kiếm, nhẹ nhưng nhanh phân huỷ dẫn đến dễ mất tác dụng. Và thành phần chủ yếu là celulose nên mức độ ảnh hưởng hoá học tới giá thể ở mức khá cao, phân huỷ yếm khí mùa mưa dễ gây hại rễ. Khi trộn nhiều khiến giá thể kém chắc chắn dễ làm cây đổ ngã. Nên đảm mức độ dưới 10% để tạo tơi, và dưới 40% để tạo xốp, 4-8 tháng thay 1 lần

LƯU Ý: Hạn chế hoặc tránh sử dụng những loại nguyên liệu trên trọn giá thể vào mùa mưa, đặc biệt là mùn cưa, bã cafe, vỏ cà phê. Docneem khuyến khích bạn nếu dùng các loại vật liệu làm tơi và xốp có nguồn gốc từ thực vật thì chỉ nên dùng trấu tươi, trấu hun, xơ dừa. Còn các loại khác khuyến cáo không nên dùng bởi tính kém bền vững và những nguy hại khi hoai mục.

Nhiều bạn cuồng những vật liệu có nguồn gốc hữu cơ để trộn vào làm tơi giá thể như phân rơm, vỏ cafe, vỏ lạc… Tuy nhiên những thứ này về mặt dinh dưỡng thì nghèo nàn, lại không thể dùng lâu và bất tiện cho người bận rộng. Về mặt lâu dài thì gây hư đất bởi sự hoai mục, nấm bệnh và hàm lượng quá lớn của nó trong đất. Do đất trong tự nhiên chỉ chứa cao nhất là 5% hàm lượng hữu cơ, các loại xác bã động thực vật chỉ nằm trên mặt chứ không được ai đem trộn vào đất cả, đó là quy luật của sự phát triển tự nhiên, đừng làm ngược lại, đừng bao vây rễ bằng đủ thứ tiềm ẩn những nguy hại.

Vật liệu làm xốp giá thể

Khác với độ tơi và dinh dưỡng với đặc tính phụ và thực hiện dễ dàng, độ xốp của giá thể có thể xem là tiêu chí quan trọng nhất bởi nó quyết định sức khoẻ cây trồng. Ngoài khả năng làm tơi, thì vỏ trấu tươi, trấu hun, xơ dừa, vỏ lạc đập dập đều có thể làm xốp đất. Ưu điểm của những vật liệu này là rẻ, tận dụng được vật liệu địa phương, có thể dùng với số lượng lớn, nhẹ, dễ làm… và nhược điểm là nhanh hết hạn sử dụng, sự mùn hoá của nó gây bí đất, dễ gọi nấm bệnh…

Các nhà vườn thì thường áp dụng loại vật liệu hơn do trồng với số lượng lớn và xuất cây liên tục khi giá thể chưa hết hạn (đây cũng là lý do bạn mua cây về một thời gian thì thấy không còn tốt như trước nữa do giá thể đã hết dinh dưỡng hoặc hết hạn và đang gây hại cho cây). Một số cây giống như mít, bưởi, ổi cũng được sử dụng vật liệu tạo xốp trên do cây được trồng sớm, trước khi giá thể hết hạn sử dụng. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng tại ột số nơi có nhiệt độ thấp, những giá thể loại này lại khá bền, thời hạn sử dụng dài nhờ nhiệt độ môi trường thấp làm chậm quá trình hoai mục của các vật liệu thực vật này.

7-gia-the-trong-cay-giong-docneem

Cây giống, cây ươm thường được trồng trong giá thể có xơ dừa, trấu

Các loại đá bọt núi lửa, đất nung,…là những loại đá nhẹ hoặc đất nung (sỏi nhẹ) có độ rỗng rất lớn giúp cho giá thể thông thoáng khí rất tốt, đây là điều kiện tiên quyết tới sự phát triển của rễ. Ưu điểm loại vật liệu này khá nhẹ, bền vững, không làm thay đổi tính chất hoá học của đất, tiêu thoát tốt, có thể tái sử dụng nhưng giá lại đắt và khó mua hơn. Với những loại cứng chắc có thể tái sử dụng như pumice, akadama: size lớn dùng làm cốt liệu xốp, size nhỏ dùng làm vật liệu tạo tơi. Không nên chọn các loại đá mềm dễ vỡ, dễ tan trong đất.

Vật liệu cung cấp dinh dưỡng cho giá thể và neem cake

Theo kinh nghiệm thực tế, Docneem thấy có 2 loại phân bón mà bạn có thể được trộn vào giá thể ban đầu là phân chuồng và phân hạt.

  • Phân chuồng: bạn có thể sử dụng trộn như bò, dê, vịt,… để trộn với số lượng lớn, tỉ lệ trộn có thể lên đến 30%. Đây được coi như 1 trong 4 thành phần chính của giá thể, thích hợp dùng cho giá thể ngắn hạn (6 – 12 tháng). Loại phân này ngoài tác dụng cung cấp dinh dưỡng còn có vai trò làm tơi và cung cấp một nguồn hữu cơ cho đất. Tuy nhiên, nếu một giá thể hướng tới sự bền vững lâu dài thì tỷ lệ trộn cần cân nhắc kỹ lưỡng. Trộn quá nhiều phân chuồng không những gây lãng phí do trôi theo nước mà còn lãng phí do phân bón trộn vào giá thể chỉ để cung cấp dinh dưỡng cho thời kỳ đầu mà thôi. Sau 1-2 lứa hoa, cây nhà bạn sẽ cần một nguồn dinh dưỡng bón định kỳ. Lúc này phần hữu cơ từ phân chuồng được trộn ban đầu đã trở nên vô nghĩa, thậm chí là gây hại cho rễ

8-gia-the-phan-chuong-hoai-muc-docneem

Phân chuồng ủ hoai mục chỉ dùng trộn giá thể cho giai đoạn đầu của cây

  • Phân hạt: có khá nhiều loại trên thị trường hiện nay. Khi trồng cây ở thời kỳ đầu, bạn nên cho vào giá thể các loại phân có hàm lượng N và P cao, K thấp. Bạn có thể dùng loại phân bón tan chậm như neem cake trộn cùng đất để bón cho cây để hạn chế thất thoát đạm và trị cuốn chiếu, sùng đấttuyến trùng gây u sùi hại rễ cây. Neem cake hiện tại đang được rất nhiều bạn yêu hoa tin dùng, chi tiết về công dụng, bạn có thể xem thêm tại đây

9-neem-cake-tron-gia-the-docneem

Neem cake đã không còn quá xa lạ khi được dùng trộn cùng đất làm giá thể

Trên đây là những yếu tố cơ bản cần biết để “khởi đầu” cho công cuộc tìm ra giá thể phù hợp. Dựa trên những yêu cầu giá thể mà các ưu nhược điểm của các thành phần trộn mà giá thể được phân thành các loại: ngắn hạn, dài hạn, cấp cứu, cây con, cây lớn. Tại phần 2 của “Giá thể – Yếu tố cốt lõi xây dựng nền móng cho hoa hồng”, Docneem sẽ trình bày chi tiết hơn và gợi ý một số công thức/ tỉ lệ trộn giá thể cơ bản cho hoa hồng.

Phần 2 của bài viết xem tại đây

————-

Tinh dầu Neem – Giải pháp hữu cơ an toàn cho vườn hồng của bạn

Mua ngay tại đây: https://docneem.com/collections/all

– Tiki: https://bit.ly/docneem-tiki

– Shopee: https://bit.ly/docneem-shopee

– Lazada: https://bit.ly/docneem-lzd

– Hotline tư vấn: 0988.22.1985 – 0946.298.603