Dứt điểm nhện đỏ – Tạm biệt ác mộng hoa hồng

tri-nhen-do-cho-hoa-hong

Nhện đỏ hiện nay được xem như là cơn ác mộng thứ 2, sau bọ trĩ của hầu hết người trồng hoa hồng. Rất nhiều bạn nhắn tin cho Docneem chia sẻ rằng đã “thức trắng đêm” vì lo lắng mãi mà không trị dứt điểm được anh này mà không hiểu nguyên nhân vì đâu. Còn cả những bạn đớn đau nhìn từng cây hồng ngoại nói “lời tạm biệt”. Do đó, chủ đề về điều trị nhện đỏ chưa bao giờ hạ nhiệt.

Để tìm hiểu sâu và dứt điểm cơn ác mộng mang tên nhện đỏ này, mọi người hãy theo dõi bài viết sau cùng Docneem nhé!

1. Nhện đỏ là gì?

Nhện đỏ (red spider mite) có tên khoa học là Tetranychus urticae, thuộc họ Tetranychidae và bộ Acarina. Đây được xem là một loại côn trùng gây hại, nặng hơn có thể xem là một loại dịch hại với cây trồng và hoa màu. Chúng hút chích nhựa lá cây khiến cây mất nhựa, thiếu dinh dưỡng và chết. Những con nhện đỏ đầu tiên xuất hiện đầu tiên tại lục địa châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, hiện tại anh chàng này đã có mặt ở khắp nơi thế giới – theo Wikipedia

1-nhen-do-bao-kin-cay

Cây trồng nhiễm nhện đỏ nặng, bị tơ nhện bao kín

Tại các nước vùng nhiệt đới, nhện đỏ phát triển rất mạnh. Chúng ta dễ dàng bắt gặp chúng tạo ra một mạng lưới mịn bao quanh toàn bộ hoa hoặc lá. Ở Việt Nam, nhện đỏ thường xuất hiện nhiều nhất tại Miền Bắc hoặc khi khí hậu khô nóng như mùa hè hoặc Sài Gòn, những nơi thiếu ánh nắng, mật độ lá và cây dày đặc.

2. Nhận diện nhện đỏ và vòng đời phát triển

Nhện đỏ trông như thế nào?

Nhện đỏ non rất nhỏ, với màu vàng cam, nếu nhìn kỹ sẽ thấy chúng như những chấm đen li ti trong suốt dính trên lá.

2-nhen-do-khi-nhin-duoi-kinh-lup

Nhện đỏ khi được phóng to dưới kính lúp

Nhện đỏ trưởng thành có hình dáng tròn hơn với màu nâu đỏ hoặc hồng đậm với 8 chân cùng lớp da mỏng. Kích thước con trưởng vẫn rất nhỏ. Con cái to nhất chỉ khoảng 0.4 mm, và 0.3 mm với con đực nên rất khó để nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu dùng kích lúp nhìn kỹ có thể thấy được 2 đốm màu đen đậm (nơi chưa thức ăn) bên trong. Đó cũng là lý do nhện đỏ còn có tên gọi khác là “nhện 2 đốm”.

Vòng đời nhện đỏ

Nhện đỏ có vòng đời khá ngắn, chỉ vọn vẹn khoảng 15 – 20 ngày nhưng bù lại là khả năng sinh sản rất cao và kháng thuốc cực mạnh. Sau khi nhện đỏ trưởng thành, chúng bắt cặp và bắt đầu đẻ trứng sau từ 2 – 6 ngày. Trung bình trong đời, mỗi con cái có thể đẻ từ 70 – 90 trứng. Dưới đây là 5 giai đoạn phát triển của nhện đỏ

3-giai-doan-phat-trien-cua-nhen-do

5 giai đoạn phát triển của nhện đỏ

Giai đoạn 1: Trứng

Trứng nhện đỏ có hình cầu hoặc hơi nhọn như củ hành nhìn rất bóng, mọng và nhỏ (0.12 – 0.15 mm) với màu vàng nhạt. Chúng được nhện cái đẻ sát gân 2 mặt lá và nở sau 4 – 5 ngày.

Giai đoạn 2, 3: Sâu non và tiền ấu trùng

Sau khi trứng nở, ấu trùng nhện đỏ sẽ có hình bầu dục với 6 chân. Chúng sẽ trải qua các lần lột xác để trở thành ấu trùng. Con cái sẽ lột xác 3 lần trong khi con đực chỉ cần 2 lần trong khoảng 4 – 6 ngày

Giai đoạn 4: Ấu trùng (con non)

Kết thúc quá trình lột xác, ấu trùng nhện đỏ sẽ có 8 chân và bắt đầu phá hoại cây. Sẽ mất 4 – 5 ngày để ấu trùng thành con trưởng thành.

Giai đoạn 5: Trưởng thành và sinh sản

Nhện đỏ trưởng thành tiếp tục phá hoạt và hút chích nhựa cây. Khi đến kỳ sinh sản, chúng bắt cặp và đẻ trứng trên các lớp tơ mỏng trong vòng 2 – 6 ngày và chết đi.

3. Tập tính sinh học

Khá “e ngại” với ánh sáng mặt trời nên nhện đỏ thưởng tụ tập ở mặt sau lá, hút chích chất diệp lục để làm thức ăn cho mình. Nếu “dân số” anh này bùng nổ, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những màng mỏng bao quanh lá, ngọn hoặc hoa với hàng nghìn chấm đỏ phía trên và lan truyền khá nhanh nhờ gió và tơ nhện.

4-lop-to-nhen-bao-quanh-la

Lớp màng trắng với hàng nghìn nhện đỏ chi chít bao quanh cây

Những cây được bón nhiều đạm cũng dễ xuất hiện nhện đỏ. Và với vòng đời ngắn ngắn ngủi nhưng khả năng “bùng nổ dân số” cao nên chúng tăng lên rất nhanh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cây nếu không điều trị kịp thời.

Thông thường, nhện đỏ xuất hiện nhiều vào mùa khô, hanh, khi mà độ ẩm thấp và nhiệt độ cao hoặc không có thiên địch khống chế. Vì đó, có 2 yếu tố làm giảm sự gia tăng nhện đỏ chúng ta cần quan tâm là

  • Độ ẩm cao liên tục làm giảm sự tăng trưởng quần thể vì nó ảnh hưởng đến việc đẻ trứng, nở trứng và sự sống của sâu non hoặc khiến trứng ung, thối.
  • Trời mưa cũng gây cản trở cho nhện đỏ vì làm tăng độ ẩm, khiến tốc độ sinh sản của chúng giảm và nước mưa còn làm rửa trôi nhện nhỏ (lý do chúng ta ít bắt gặp nhện đỏ vào mùa mưa)

Về loài cây ưa thích, nhện đỏ xuất hiện ở hầu hết các loài hoa màu (dưa hấu, ớt, mướp…), cây cảnh, bon sai và đặc biệt là hoa hồng. Mang cho mình đặc tính kháng thuốc cao, sinh trưởng khá nhanh, anh này cũng khiến nhiều bạn mới bắt đầu trồng hoa hồng điêu đứng với cơn ác mộng thứ 2 mang tên nhện đỏ.

4. Nhện đỏ trên hoa hồng

Tùy thuộc từng loại cây và đặc điểm khí hậu vùng miền khác nhau, cách điều trị và biểu hiện của nhện đỏ cũng có sự khác biệt. Bài viết này, Docneem sẽ giới hạn về nhện đỏ trên hoa hồng dành riêng cho các bạn yêu hoa nhé!

Dấu hiệu hoa hồng mắc nhện đỏ

Cũng giống như khi gây hại trên các loại cây trồng khác, nhện đỏ thường nấp ở mặt dưới lá hoa hồng và hút nhựa. Nhưng vì kích thước nhỏ, sẽ rất khó quan sát bằng mắt thường, nên bạn có thể nhận diện anh chàng này qua những dấu hiệu sau:

  • Cây mới bị nhện đỏ tấn công: bề mặt dưới (đôi lúc có cả mặt trên) của lá cây xuất hiện đốm trắng nhỏ li ti

5-la-hoa-hong-bi-nhen-do-hut-nhua

Đốm trắng li ti đang lan rộng dần do bị nhện đỏ hút hết diệp lục

  • Cây bị nặng: các đốm trắng nhỏ dần liên kết với nhau thành từng mảng dày đặc, mặt trên của lá nhợt nhạt theo thời gian, chuyển thành màu nâu phồng rộp, vàng khô và rụng
  • Nếu xuất hiện tơ nhện trắng, bao quanh hoa và thì cây đang bị nhện đỏ tàn phá rất nặng rồi

Tác hại của nhện đỏ với hoa hồng

Lá cây nếu bị nhện đỏ tấn công sẽ mất đi diệp lục, không còn khả năng tổng hợp được dinh dưỡng nữa khiến toàn bộ quá trình sinh trưởng và phát triển của hoa hồng bị rối loạn, cây còi cọc, mãi không lớn, không ra hoa. Nếu không nhận diện sớm và điều trị kịp thời sẽ khiến lá, cành cây khô dần, nụ và hoa khô và thối nhũn không nở được và chết dần chết mòn.

Mặc khác, khi tấn công cây, nhện đỏ gây ra các “vết thương” trên lá cây. Điều này có thể khiến các loài vi khuẩn, nấm bệnh và cả virus tấn công gây bệnh khác rất nguy hiểm cho hoa hồng.

5. Cách điều trị nhện đỏ trên hoa hồng

Có nhiều phương pháp trị nhện đỏ hiện nay, điển hình là dùng các biện pháp hóa học hoặc sinh học. Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm nên tùy vào nhu cầu, tình trạng cây, bạn có thể sử dụng hoặc phối hợp các phương pháp với nhau.

Điều trị nhện đỏ bằng phương pháp hóa học

Cách 1: Dùng cồn tẩy rữa Isopropyl

Dùng mảnh vải mềm, sạch để thấm cồn và lau dưới mặt lá cây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này siêu tốn thời gian vì phải lau từng lá nên bạn nhớ cân nhắc nhé ^^

Cách 2: Xịt dung dịch lưu huỳnh đều lên lá cây.

Khi sử dụng phương pháp này, bạn nên lưu ý không dùng dạng bột vì sẽ dễ hít phải và KHÔNG xịt dung dịch lưu huỳnh trong vòng 30 ngày nếu sử dụng tinh dầu phun cho cây hoặc nhiệt độ quá cao (quá 32 độ C).

Cách 3: Thuốc bảo vệ thực vật

Phun các loại thuốc có chứa hoạt chất tiêu diệt nhện đỏ (Diafenthiuron, Fenpyroximate, Febutatin oxide, Sulfur, Spirotetrama, Hexythiazox,…) như Pesieu 500SC, Ortus 5 SC, Detect 50WP, Nissorun 5 EC,…  Dùng cái này thì đảm bảo là nhện đỏ chết rất nhanh nhưng rất dễ gây ra tình trạng kháng thuốc, nên bạn nên phối hợp phun nhiều loại khác nhau và xịt lại sau 4 – 7 ngày để diệt trứng nhện luôn nhé! Để đạt hiệu quả thì bạn nên xịt từ 8-10h sáng bởi thời gian này chúng hoạt động rất “nhiệt tình” là thời gian nhện hoạt động khá mạnh.

Phương pháp sinh học trị nhện đỏ, không bị kháng thuốc

Cấu tạo cơ thể với lớp da rất mỏng, nhện đỏ hầu như “bảo hòa” với các điều kiện môi trường, thuốc bảo vệ thực vật dễ ngấm vào cơ thể và tiêu diệt chúng chỉ chưa đầy 1 ngày. Nhưng trong 24h đó, chúng lại có thể sản sinh ra hàng nghìn nhện con với một lượng thuốc nhất định trong cơ thể và khả năng kháng thuốc cao.

Nếu đang lo ngại về vấn đề kháng thuốc, sức khỏe và ô nhiễm môi trường xung quanh bởi thuốc bảo vệ thực vật, bạn có thể thay thế bằng một số phương pháp sinh học sau:

Cách 1: Dùng bột gạo và bột năng (hoặc bột mì)

  • Cho hỗn hợp bột vào nước lạnh và khuấy đều, sau đó đổ dần nước sôi vào, tiếp tục khuấy đến khi hỗn hợp đồng nhất thành và không còn đóng cục.
  • Đổ nước vào theo tỷ lệ mình muốn và dùng vải xô hoặc khăn sạch lọc lại cặn.
  • Xịt vào lúc trời nắng để cho hiệu quả cao nhất.

Cách 2: Dùng trà thảo mộc tự pha

  • Trộn đều 1 thìa canh (muỗng) bột quế với 1 thìa canh bột đinh hương và 2 thìa canh gia vị Ý pha cùng trà thảo mộc và đun sôi hỗn hợp .
  • Đợi nước nguội bớt, tiếp tục cho 2 thìa canh tỏi tươi nghiền vào và để nguội hẳn rồi lọc lấy phần nước

6-tra-thao-moc-tri-nhen-do

Trà thảo mộc trộn với một số giá vị khác có thể dùng phun trị nhện đỏ

  • Cho thêm 1 ít nước rữa chén rồi đổ vào bình và xịt vào mặt dưới lá nhiễm bệnh
  • Tuần xịt 2-3 lần trong 2 tuần

Cách 3: Dùng muối hữu cơ

Hòa tan muối với nước và phun lên cây nhiễm bệnh vào chiều mát. Các acid béo và muối kali sẽ “chà xát” vào cơ thể nhện đỏ và khiến chúng “tèo” đi

Cách 4: Dùng thiên địch để kiểm soát

Một số loài côn trùng thích ăn nhện đỏ như bọ rùa, ấu trùng bọ cánh gân,.. có thể giúp bạn tiêu diệt nhện đỏ. Tuy nhiên thiên địch chỉ kiểm soát được nhện đỏ ở mức độ vừa phải và sẽ chết nếu bạn sử dụng thuốc hóa học. Để thu hút những loài thiên địch này, bạn có thể trồng các loại cây như rau dền, lưu ly,…

Cách 5: Dùng vòi xịt nước áp lực mạnh

Vì nhện đỏ phát triển mạnh ở thời tiết hanh khô, trứng cũng dễ ung khi tiếp xúc nước nên phương pháp này vừa xịt được nhện trên lá, vừa làm nhện yếu đi, khó di chuyển và khiến trứng nhện bị ung thối. Nhưng hạn chế là chỉ đuổi được khoảng 70% nhện đỏ, không diệt hết nhện và “không mấy thuận tiện” cho những bạn ở chung cư

7-phun-nuoc-manh-duoi-nhen-do

Xịt nước với áp lực mạnh sẽ rữa trôi nhện đỏ trên lá

Cách 6: Phun trị nhện đỏ với dầu neem nguyên chất

Có nguồn gốc từ hạt neem với sự hiện diện của hoạt chất Azadirachtin trị sâu bệnh, côn trùng rất hiệu quả, dầu neem nguyên chất sẽ là một lựa chọn không tồi. Sử dụng dầu neem trị nhện đỏ rất đơn giản, bạn chỉ cần làm theo cách dưới đây

Nếu cây đang bệnh nặng:

– Dùng 10 ml dầu neem trộn đều với 10 ml nước rữa chén và khuấy đều (để nhủ hóa dầu) và pha trong 1 lít nước.

– Cho hỗn hợp vào bình xịt và lắc đều rồi phun (sử dụng hết trong vòng 6-8 giờ)

– Phun 2-3 lần mỗi tuần lúc sáng sớm hoặc chiều mát để tránh cháy lá

– Giảm liều lượng xuống 5ml dầu neem/ 5ml nước rữa chén/ 1 lít nước khi đỡ nhện đỏ

**Lưu ý: Với cây yếu hoặc có nắng gắt, bạn nên chủ động giảm liểu lượng dầu neem để tránh cháy lá nhé

8-phun-dau-neem-tri-nhen-do

Tự pha dung dịch với dầu neem để phun nhện đỏ cho cây

Cây bệnh nhẹ thì pha dầu neem theo tỉ lệ 5ml dầu neem/ 5ml nước rữa chén/ 1 lít nước và phun như trên là được.

Cơ chế tác động riêng biệt của dầu neem khiến nhện đỏ “không thể kháng thuốc”

Khác với thuốc hóa học, dầu neem hoạt động theo cơ chế sinh học phức tạp. Khi nhện đỏ ăn phải neem (do hút nhựa trên lá được phun dầu neem), hoạt chất vốn có trong dầu neem sẽ can thiệp vào vòng đời sinh học của chúng, gây ra những biến đổi bất lợi, khiến quần thể giảm dần và biến mất. Cụ thể như sau

Đối với sự phát triển:

– Làm gián đoạn, ức chế sự phát triển của trứng, ấu trùng, nhộng

– Ngăn chặn sự lột xác của ấu trùng, nhộng

– Ngăn chặn khả năng “nuốt”, gây chán ăn khiến chúng “chết đói”

– Gửi các biến đổi lệch lạc trong quá trình phát triển

– Ức chế sự hình thành chitin – thành phần chính trong thành tế bào bộ xương ngoài của động vật giáp xác và côn trùng

Dầu neem nguyên chất Docneem được nhiều bạn dùng phun phòng nhện đỏ hiệu quả

Với sự sinh sản:

– Gián đoạn giao phối và kết đôi

– Con cái bị hạn chế đẻ trứng

6. Phòng nhện đỏ với dầu neem nguyên chất

Ông bà có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nên với những cây khỏe, không bị nhện đỏ hoặc vừa khỏi bệnh, bạn vẫn nên chủ động phòng bệnh cho cây bằng dầu neem với những cách sau:

– Phun sạch cây bằng cách dùng vòi nước mạnh, phun mặt dưới lá để tạo độ ẩm nhất định và thổi bay nhện đỏ.

– Luôn giữ cho cây gọn gàng, sạch sẽ, thoáng mát, thường xuyên cắt tỉa vườn và loại bỏ các lá bệnh.

– Dọn dẹp và giữ cho khu vườn gọn gàng. Tiến hành đốt ngay nếu nghi ngờ có nhện đỏ ở các lá khô và cành cây hoặc bỏ thùng rác.

– Phun phòng định kỳ bằng dầu neem nguyên chất vào chiều mát mỗi 1-2 lần/ tuần theo tỉ lệ: 1ml dầu neem/1ml nước rữa chén, khuấy đều và pha trong 1 lít nước.

Trên đây là những điều cơ bản về nhện đỏ và cách phòng trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, giúp bạn thoát khỏi cơn ác mộng nhện đỏ hoa hồng. Chúc bạn tìm được cho mình phương pháp phù hợp để chăm cây nhé ^^

Tinh dầu Neem – Giải pháp hữu cơ an toàn cho vườn hồng của bạn
📌Mua ngay tại đây: https://docneem.com/collections/all
– Tiki: https://bit.ly/docneem-tiki
– Shopee: https://bit.ly/docneem-shopee
– Lazada: https://bit.ly/docneem-lzd
📌Facebook: Tinh dầu neem
📞Hotline tư vấn: 0988.22.1985 – 0946.298.603