1. GIÁ THỂ
Giá thể là công việc đầu tiên bạn phải tìm hiểu trước khi chuyển sang các bước khác, không tìm hiểu giá thể tốt nhất bạn không nên chơi hồng 😀 bởi nó đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của cây đặc biệt là đối với bộ rễ. Nền móng mà ko chắc, ko tốt thì cột điện cũng đổ chứ nói gì đến cây. Tiêu chí để đánh giá chất lượng giá thể bao gồm độ: giữ ẩm, thoáng khí, ổn định nhiệt, tơi xốp (độ chặt), dinh dưỡng và độ sạch… Một giá thể tốt đương nhiên cho cây khoẻ và hoa đẹp, sai và mắn hơn, mặt khác còn giảm thiểu được bệnh tật từ rễ cũng như công chăm sóc hàng ngày. Cần ĐẶC BIỆT LƯU Ý rằng, độ sạch của đất và độ tơi xốp của gt là điều quan trọng nhất, đất bẩn và kém tơi xốp sẽ khiến cây chết từ từ và rất dễ bệnh tật.
2. THÀNH PHẦN
Thành phần làm giá thể hiện nay đa dạng và phong phú, chủ yếu được sử dụng từ những nguyên liệu chính sẵn có ở địa phương với những ưu nhược điểm như sau:
– Xỉ than: là một thành phần vô cùng quan trọng, nó giúp cho giá thể luôn luôn thông thoáng và thoát nước tốt đặc biệt là trong mùa mưa ròng rã. Nó tốt hơn hẳn so với trấu vì kết cấu không bị thay đổi trong suốt quá trình sử dụng, và không có nguy cơ bị bít kín như perlite. Lưu ý ngâm xả sạch trước khi dùng
– Mùn cưa: dễ phân huỷ, thành phần chủ yếu là xenlulo, độ thông thoáng khí thấp và giữ ẩm không đều. Mùn cưa đc dùng để giúp đất tơi xốp, ổn định nhiệt, cung cấp dinh dưỡng cho cây thông qua sự biến đổi của vi sinh vật. Dùng mùn cưa rất dễ hên xui bởi hay gặp phải cây có chứa tinh dầu như thông, dổi, hương, pơmu…, cây đã ngâm hoặc đã qua tẩm thuốc xử lý hay cây độc như lim. Mùn cưa sử dụng rất tốt và tỷ lệ trộn có thể lên tới 50% cho hoa rất sai. Xử lý: Không khuyến khích ủ ẩm vì nấm mốc, nhưng khuyến khích ủ đúng bài bản cùng chế phẩm visinh EM kèm trichoderma. Mùn cưa cây keo sau khi trồng nấm sò ủ dùng vẫn cực đỉnh. Nhược điểm: mùn cưa dễ gây độ xốp ảo do nhanh hoai mục làm gt bị xẹp và hay có sùng
– Trấu tươi: không hề khuyến khích sử dụng bởi gần như kém toàn diện, chỉ có tác dụng giữ đất tơi xốp nhờ cấu trúc… lò xo )) Trấu tươi không hề có tác dụng thay phân bón bởi độ lì lợm vô đối về thời gian phân hủy. Do lâu phân huỷ nên sẽ gây khó khăn cho bộ rễ phát triển. Có điều kiện dùng được loại đã hoai mục thì quá nà thít 😀 Tụi em sẽ có bài viết riêng cho mục này.
– Sơ dừa: tp chủ yếu là xenlulo, giữ ẩm tốt nhưng dễ gây úng và cần ngâm nước xử lý tanin có vị chát làm kết tủa protein. Hiện nay em đang gặp rất nhiều ca sử dụng xơ dừa khiến cây bị vàng lá do rễ bị bít ko thể hút dinh dưỡng, có thể do xơ dừa ko rõ nguồn gốc và chất lượng. Vì vậy các bác sử dụng phải hết sức lưu ý, em chưa bao giờ dùng đến món này vì em ko tin xơ dừa đã được xử lý tốt. Em ko khuyến khích dùng, nếu dùng thì nên thay hoàn toàn giá thể sau tối đa 4-5 tháng kèm kiểm tra rễ thường xuyên. Em vừa cứu 2 cây mua sẵn vì để quá hạn trên.
– Dương xỉ: loại dương xỉ cao 1.5m hay dùng cho lan, phơi khô băm nhỏ dùng cũng cực đỉnh, nhưng loại này khó kiếm. Hồi bữa em dùng cả cây dương xỉ loại nhỏ phơi khô băm nhỏ, khi khô rồi mà lá vẫn xanh xanh và thơm nức nở.
Nhìn chung thì các vật liệu làm gt từ xenlulo rất tốt nhưng mình rất tiếc vì chúng đều có chung nhược điểm lớn là rất dễ bị nấm có hại tấn công. Ví dụ như dùng rơm trồng nấm rơm í )) Đừng tưởng trấu tươi là sạch nha mấy cưng. Muốn dùng được thì các bác buộc phải ủ cùng Emuniv và Trichoderma, ủ kèm phân chuồng và một chút đất. Ủ lâu đấy, ăn may thì phải cỡ 3 tháng, đen thì 1 năm rưỡi 😁 Tuy lâu nhưng sau 3 tháng, bạn có 1 hỗn hợp mùn hữu cơ tuyệt vời luôn. 3 tháng có thể lâu, nhưng ko ủ thì ko bao giờ có.
– Trấu hun: sạch, tơi xốp, vô trùng hoàn toàn: không có nấm bệnh, vi khuẩn. Hút và giữ nước, giữ phân tốt, thoáng khí. Hàm lượng kali lớn và quan trọng là… hạt dẻ. Than cánh trấu có tính trung hoà nên cứ dùng vô tư. Tuy nhiên dinh dưỡng kém và hấp thụ nhiệt lớn ko tốt cho cây khi nắng nóng nên các bác miềng trung lắng gió dùng hạn chế nha. Cần dội nước càng nhiều càng tốt sau khi hun để loại tạp chất và pha thêm các chế phẩm tridorema, Em, humic ở lần dội cuối cùng rồi để 7 ngày mới đem dùng nhằm phát huy hiệu quả của các chế phẩm. Em đang có vấn đề với bạn trấu hun này, sẽ nói rõ hơn ở bài đất nâng cao.
Cần phân biệt rõ than cánh trấu hun tồn tính khác hoàn toàn với tro trấu mịn. Tro trấu rất mịn dễ len lỏi vào các kẽ hở trong đất làm đất chặt hơn nên rễ cây sẽ bí… thở, mặt khác nó chứa oxit silic và hoạt tính mạnh gây… tổn thương cho đất. Lâu nay bà con đốt rơm làm phân bón là đang làm đất kém dần đó nha bà con.
– Đá perlite: có nguồn gốc nham thạch núi lửa được nghiền nhỏ rồi nung ở nhiệt độ khoảng 800độC khiến kích thước tăng khoảng 15 lần so với ban đầu nên rỗng như bỏng ngô nên perlite giữ ẩm, thoát nước tốt và ổn định nhiệt giá thể, ngoài ra còn có tác dụng làm giảm độ pH của đất, là vật liệu bền vật lý và trơ hoá học. Do tính rắn vật lý nên một phần cũng gây khó khăn cho rễ pt. Cái này mua dễ lắm.
– Đá Vơmi (Vermiculite): là quặng khoáng có thành phần tương tự mika, trương nở 8-20 lần khi nung, ngoài giữ nước còn thu hút kali, magiê, canxi và phốt pho nhằm dự trữ cho cây. Có khả năng ổn định độ pH, giữ nước và dinh dưỡng tốt hơn Perlite nhưng đá perlite có khả năng thoát nước tốt hơn. Tùy vào lượng mưa từng vùng mà các bác chọn loại đá cho phù hợp, mưa ít nên chọn vơmi, mưa nhiều thì chọn perlite. Ẩm ương thì có thể phối 1 loại với nhau nhưng với hoa hồng thì tỷ lệ thiên về perlite nhiều hơn. Bữa nào em thử giâm cành bằng tụi này xem kết quả có khả quan hơn cát không 😀
– Phân bò, phân dê hoai mục: cạn lời vì quá đỉnh, lưu ý cần loại bỏ con sùng trong phân và phân dê thì để nguyên viên.
– Đất: đây là tiết mục khó nhất nhưng lại dễ nhất vì ai có cái gì thì dùng cái nấy )) Nếu mà khó quá thì các bác cứ cuốc tung đất lên, cứ thấy có giun là múc )) Tuy nhiên, giá thể chỉ hơn kém nhau ở đất mà thôi:
Đất cát: tiêu thấm nước tốt, yêu cầu chế độ tưới khắt khe vì khi khô thì rời rạc, lúc ướt thì chặt cứng, giữ đất và phân kém, bón phân tốn. Cần pha thêm bùn ao phơi oải và bón nhiều phân hữu cơ. Tính ổn định nhiệt kém.
Đất sét: khi khô thì cứng như đá, khi ướt thì dính như keo phát ớn. Ổn định nhiệt hơn đất cát, giữ nước giữ chất dinh dưỡng và giàu chất hơn cát. Cây dễ úng, kém thoáng khí, nhỡ quên ko tưới nó khô nó nứt toác làm đứt đôi bộ rễ, do tính keo nên tranh chấp dinh dưỡng với rễ khiến rễ khó hút chất dinh dưỡng từ đất… Loại đất này cần bón phân hữu cơ, phân xanh, phân chuồng và tăng tỷ lệ các loại khác nhằm làm tơi xốp đất.
Đất thịt: trung gian giữa đất cát và đất sét, tuỳ thành phần hạt mà có đất pha cát hay pha sét…
Đất đỏ 3 zan: chỗ em bà con dùng để làm bầu để ươm cây con chứ không có mới thấy dùng đất phù sa nhiều cát hạt mịn. Đất đỏ 3 zan rất tốt và công xử lý ít, thấy cây non mọc rần rần.
Thứ tự ưu tiên của đất nên dùng như sau: đất sạch tinh khiết nó có nguồn gốc phong hoá từ nham thạch núi lửa như đất đỏ, đất đồi phía dưới lớp mặt rồi đến đất khác như bãi bồi phù sa, tiếp theo là nhóm “đất vườn, đất ruộng màu, đất ruộng lúa…” có nguồn gốc bồi tích từ rất nhiều loại nên bẩn hơn, muốn dùng lâu dài thì nên xử lý.
Từ những đặc điểm của dải đất từ cát tới sét nơi bạn ở mà tính toán pha trộn các thành phần cho phù hợp nhằm khắc chế được nhược điểm của nhau.
3. LỰA CHỌN THÀNH PHẦN
Từ những ưu nhược và điều kiện khai thác tại chỗ của các thành phần làm gt mà bạn có thể tự quyết định thành phần và công thức làm gt cho phù hợp. Ở bài này, với loại đất đỏ 3 zan, xin giới thiệu công thức để các bạn tham khảo như sau:
– Đất đỏ : 45%
– Phân bò/dê : 10%
– Than trấu, Đá perlite, vơ m, xỉ than 45%
– Phân cá/gà, tan chậm: 1-2 nắm cho 1 cây
– Trichoderma (ko cho cùng vôi)
Tỷ lệ trộn cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ ẩm, thành phần… nhưng quan trọng nhất là: đau thương tầm kinh nghiệm, lăn lộn hữu vinh quang )) Nữa, cố gắng chọn chậu cách nhiệt tốt cho gt nha, cành lá có thể ko tránh khỏi đc sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng bộ rễ thì cần nâng niu tối đa…
4. TỔNG KẾT GIÁ THỂ
Kết luận: giá thể cũng chính là 1 phần lớn tình cảm của bạn dành cho cây, yêu hồng không đơn giản chỉ là việc hái hoa cắm vào lọ rồi mang vào nhà ngồi ngắm…
Các bạn có thể đọc thêm việc trừ sâu bệnh cho hoa hồng bằng dầu Neem ở đây
https://docneem.com/blogs/dau-neem-tru-sau-benh/dau-neem-tru-sau-benh-cho-cay-trong
Nguồn sưu tầm