“Người VN chết trên đống thuốc”, tuyên bố ấy của một nhà khoa học chưa bao giờ cũ. Trong cơn phẫn nộ xã hội về chất lượng sống, “đống thuốc”của người Việt vẫn đang mục rữa hoặc để người TQ dùng.
Thuốc Nam cho người Tàu
Quãng năm 2008, thương lái Trung Quốc thực hiện một “chiến dịch” thu mua cây chè rừng hoa vàng với số lượng lớn. Ban đầu là hoa được mua với giá cao, sau đó là cả cây. Bà con các vùng núi phía Bắc đổ xô đi săn tìm cây giống này.
“Gần như tuyệt chủng” – anh Đỗ Hoàng, một người kinh doanh các sản phẩm từ các cây thuốc Nam ở Hà Nội nói về cây chè rừng hoa vàng ở giai đoạn đó. Anh mô tả những cây chè được vun thành đống lớn, chờ thối rữa ở sân các Ủy ban xã vì thương lái Trung Quốc đã “mất hút”, bỏ lại khoản đặt cọc nhỏ, còn bà con thì đã gần như tuyệt diệt giống cây này vì món nợ bày ra trước mắt.
Chè rừng hoa vàng (danh pháp Camellia chrysantha) hiện đang được xếp vào nhóm giống cây “dễ bị tổn thương” (VU), mức độ nghiêm trọng thứ 4 trên 8 thang bảo vệ bởi sự săn tìm thái quá của con người. Giống cây này vốn đã hiếm, chỉ tồn tại ở 3 địa phương trên toàn thế giới là tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và hai tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc. Nhờ ơn của chiến dịch tìm-diệt diễn ra trong thập kỷ trước, vị thuốc nam quý giá này giờ hiếm và đắt như… vàng. Có nơi, người ta bán cả chục triệu đồng một cân khô.
Bồ kết, bồ hòn hai loại thảo dược truyền thống đang dần biến mất.
Những chiến dịch tìm – diệt mà thương lái Trung Quốc “phối hợp” với sự thiếu hiểu biết của đồng bào thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc đã diễn ra trong suốt gần 3 thập kỷ qua. Theo trí nhớ của anh Hoàng, thì mọi chuyện bắt đầu với cây nấm linh chi mọc trên cây lim xanh. 25 năm trước người Trung Quốc bắt đầu đem tiền sang thu mua những cây nấm mọc trên cây lim xanh. Gỗ lim độc, người đồng bào quan niệm, nên nấm trên cây lim làm sao ăn được, hẳn là sẽ được người Tàu chế biến làm thuốc độc. Đồng bào ồ ạt đi vào rừng thu hái. Phải đến tận vài năm gần đây, các nhà sản xuất thuốc Nam mới giật mình nhận ra rằng đó là một trong những loại nấm linh chi quý hiếm bậc nhất.
Chè hoa vàng hiện đang được xếp vào nhóm giống cây “dễ bị tổn thương”.
Bây giờ hễ cứ người Trung Quốc sang mua thứ gì, là anh Hoàng cũng mua theo. Anh mua về để cứu giống cây ấy, đề phòng nó bị tuyệt chủng. Cho dù nhiều khi, bản thân anh Hoàng cũng không biết rằng giống cây này có tác dụng gì. Ở Việt Nam, cái gọi là “rừng vàng” chưa bao giờ được nghiên cứu đầy đủ. Rất nhiều giống cây thuốc quý, bài thuốc quý của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang được duy trì bằng hình thức truyền miệng và có thể biến mất bất cứ lúc nào, một phần bởi chính các thầy lang địa phương không còn người kế thừa, một phần bởi những người phương Bắc: họ hiểu được giá trị của rất nhiều loại thuốc trong “rừng vàng” hơn chính chủ nhân của nó.
Rất nhiều lần, người Trung Quốc đã thực hiện những chiến dịch thu mua ồ ạt những sản vật “lạ” tại nước ta. Lúc thì tổ ong đất, lúc thì đỉa, khi thì cây chè hoa vàng hoặc cây ngâu… Những lúc như thế, cả báo chí và người dân chỉ biết ngơ ngác, “không biết họ mua về làm gì với giá cao thế”, rồi để ra đủ thứ thuyết âm mưu. Ít có lần nào, thấy sự vào cuộc của các nhà khoa học, để tìm hiểu rằng các loại lâm sản, nông sản ấy thực sự có giá trị gì. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên rằng, đã có lần, người ra phát hiện ra một giống sâm rất quý ở vùng núi phía Bắc, có bằng chứng lâm sàng cho thấy hiệu quả với việc điều trị ung thư. Đến khi lên tìm lại, mới biết là thương lái Trung Quốc đã sang nhờ đồng bào đi “đào củ khoai đất” với giá vài trăm nghìn đồng/kg từ nhiều năm trước, tuyệt diệt giống cây này.
Người Việt Nam chết trên cây thuốc
Mặc dù đã đóng gói cây nấm linh chi mà “người Tàu mua” thành dược phẩm để bán và hiểu được phần nào giá trị dược tính của nó, nhưng đến giờ anh Đỗ Hoàng cũng chưa hiểu được tại sao người Trung Quốc lại chỉ thu mua cây nấm mọc trên gỗ lim xanh. Thiếu những nghiên cứu khoa học quy mô, rừng Việt Nam trở lên bí ẩn với chính người Việt Nam.
Những người giữ rừng hiểu chúng hơn ai hết: Đó là các đồng bào dân tộc thiểu số với lượng kiến thức khổng lồ về cây cỏ và dược tính của chúng. Nhưng những kiến thức ấy cũng có nguy cơ biến mất cùng những thầy lang địa phương.
Bốn, năm triệu một tháng, là số tiền mà công ty VietHerb, một công ty nhỏ chuyên về thuốc Nam tại Hà Nội, trả cho các thầy lang ở Lạng Sơn để họ duy trì việc trồng và chế các bài thuốc gia truyền của mình. Số tiền ấy quá nhỏ để “đảm bảo an toàn” cho tương lai của các bài thuốc.
Thuốc – hay rộng hơn là dược liệu từ rừng – theo quan niệm của những thầy lang vùng núi, phải được trồng như nó vốn là. Tức là cây ở đâu thì phải ở đấy, hoang dại, nằm trong một hệ sinh thái tự nhiên, dưới các tán cây rừng khác.
Có dạo, thương lái Trung Quốc sang “đầu tư” vào củ đinh lăng. Củ đinh lăng thế là trở thành một thứ mốt ở khắp các vùng phía Bắc, với đủ loại dược tính được lưu truyền. Đi trên dọc đường Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, rất dễ dàng nhìn thấy những người nông dân lam lũ không biết đã đạp xe từ đâu ra, chở theo mấy củ màu nâu còn bám đầy đất cát, với tấm biển nguệch ngoạc “CỦ ĐINH LĂNG” mong kiếm chút tiền. Dạo ấy, nhiều người cũng đầu tư trồng cây đinh lăng. Nhưng cây đinh lăng được bón thuốc kích thích cho ra rễ từ trong hom, rồi mới cắm xuống đất chẳng bao lâu thì thu hoạch. “Chẳng cần nói cũng biết dược tính không có bao nhiêu” – anh Hoàng hơi gắt. Cây đinh lăng phải trồng nhiều năm, trồng tự nhiên ở nơi mà nó vốn sinh trưởng, thì mới giữ được dược tính. Quan niệm của những người giữ cây thuốc Nam vùng cao là như thế. Mà muốn giữ như thế, thì bản thân bài thuốc phải sống được, thầy lang phải sống được, thì mới có vườn cây dưới tán rừng. Nhưng thị trường cho thứ ấy bây giờ ở đâu ra?
Củ đinh lăng trở thành một thứ mốt ở khắp các vùng phía Bắc.
Chúng ta từng có một nền văn hóa đầy tri thức về những loại thảo dược, từ cái rổ rau thơm dăm bảy loại bày cạnh đĩa lòng, loại nào cũng có dược tính; đến việc tắm giặt với lá bưởi, bồ kết, rau mùi già; cho đến những vị thuốc Nam quý hiếm tới mức… chỉ có người Trung Quốc mới biết. Gọi là “từng có”, bởi bây giờ thứ ấy được duy trì theo tập tính của những người rất cũ. Bao nhiêu người còn gội đầu bằng bồ kết? Quả bồ hòn, thứ xà phòng thiên nhiên giờ chỉ còn tồn tại trong truyền thuyết, cũng đang bên bờ tuyệt chủng. Những thứ đơn giản như thế đã mất đi, và còn rất nhiều những thứ phức tạp hơn, như các vị thuốc, đã vĩnh viễn mất đi. Cùng với chúng, có thể nói là những di sản văn hóa.
Các công ty dược phẩm lớn giờ tung ra rất nhiều dòng “thuốc Nam” nhưng trên thực tế nó đã mất đi giá trị khi được thương mại hóa và bảo tồn.
Trong khi dư luận xã hội cuồng nộ “nói không với hóa chất” trong thực phẩm, thì các chế phẩm chăm sóc sức khỏe của họ lại toàn là hóa chất, từ kem đánh răng đến dầu gội đầu. Triclosan, một chất diệt khuẩn có khả năng gây ung thư, đã từng được tìm thấy trong kem đánh răng Colgate, Close-Up và xà phòng LifeBuoy, và người tiêu dùng buộc phải tin vào lời bảo chứng “tỷ lệ nằm trong ngưỡng an toàn” của các cơ quan chức năng (giống như họ vẫn tin vào “tỷ lệ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau củ Trung Quốc nằm trong ngưỡng an toàn”). Những người làm công việc bảo tồn cây thuốc Nam cảm thấy hơi chua chát: Những thứ hóa chất ấy chưa bao giờ được “xét lại”, trong khi cả một di sản dược liệu đồ sộ của dân tộc đang có nguy cơ mục rữa.
Các công ty dược phẩm bây giờ đang đóng gói bồ kết và 9 loại thảo dược vào những túi lọc để gội đầu. Dược tính của bồ kết, hương nhu, sả, vỏ bưởi… hẳn tưởng như không cần tranh cãi. Nhưng những thị dân có thể bỏ ra nhiều ngày trời để trồng mấy luống “rau sạch” tự ăn, chứ việc sử dụng lại các loại dược liệu truyền thống này để chăm sóc sức khỏe còn lâu mới trở lại là một văn hóa.
Có lẽ, khi nào người Trung Quốc đổ xô đi mua lá bưởi, thì nó mới lại trở thành một thứ mốt.
Có lẽ, khi nào cây mùi già bất ngờ tuyệt chủng trên toàn cõi Việt Nam, thì dược tính của nó mới được nghiên cứu đầy đủ.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Trọng, người từng có rất nhiều công trình gây tiếng vang về cây thuốc Nam tại nước ta, có lần tuyên bố một câu chua chát: “Người Việt Nam ra ngõ gặp cây thuốc nhưng lại chết trên cây thuốc”.
Người Việt Nam biết rằng họ đang sống trên một đống thuốc: nét văn hóa sử dụng thảo dược trong đời sống vẫn chưa bao giờ mất. Người Việt Nam cũng thừa hiểu rằng môi trường sống của họ giờ nhiều độc tố như thế nào. “Ung thư” trở thành một từ khóa ám ảnh, một cái kết được tâm niệm cho lối sống của người Việt bây giờ. Chỉ có điều, giơ khẩu hiệu “thực phẩm sạch” và trồng cây rau mầm trên sân thượng thì tốn ít công sức hơn nhiều so với tìm hiểu về đặc tính của các loài thảo dược. Những thứ ấy, không chỉ cần ý thức về văn hóa của cộng đồng, mà còn cần rất nhiều chính sách khoa học.
Và trong khi bài viết này được thực hiện, rất có thể một loài thảo dược, một vị thuốc Nam đã tuyệt chủng đâu đó trên những cánh rừng ngay tại đất nước ta.
Nguồn bài viết: Đức Hoàng (baomoi.com)