Bài này tớ viết dựa trên kinh nghiệm thực tế của tớ trong khoảng thời gian trải nghiệm với hoa hồng. Hiện tại tuy đã có những biểu hiện phát triển rất ổn, ko bị các bệnh thường thấy của hoa hồng như trĩ, nhện, nấm các kiểu nhưng dù gì vẫn đang tiếp tục theo dõi quá trình phát triển của mí ẻm để hiểu rõ hơn, nhất là vấn đề nắng, nên sau này có gì thay đổi tớ sẽ lại update chỉnh sửa bổ sung thêm. Hy vọng mọi người cùng áp dụng và chia sẻ kết quả để chúng ta có thể đúc kết được ra nhiều kinh nghiệm thực tiễn hay ho cho cây hồng.
Kinh nghiệm xịt nước hoa hồng phòng trừ sâu bệnh
Kinh nghiệm trị bọ trĩ bằng cách xịt nước mạnh
Tớ chơi hồng từ khoảng đầu tháng hai năm nay, nghĩa là đến giờ khoảng được khoảng tầm 7 tháng, mò mẫm tìm hiểu từ con số 0 để chăm cây, nên giờ mỗi ngày ngắm thành quả sung sướng nhắm.
Khởi đầu của tớ là ở ban công hướng Đông, hướng nắng chuẩn nhất cho mọi loài cây. Và hơn 3 tháng nay là bố trí và dưỡng cây cố định tại 2 ban công một cái hướng Tây và một cái hướng Bắc. Nghĩa là tớ đã được “thử nghiệm” trồng hồng ở cả những nơi nắng trái ngược nhau, đủ để so sánh tác dụng của nắng đối với hồng như thế nào. Ghi rõ và kỹ để xem như mọi người cùng nắm quá trình cùng với tớ luôn cho có cảm giác rõ ràng hơn.
Nhắc đến cảm giác là vì, đối với người chăm cây, đó là yếu tố ko kém phần quan trọng so với những yếu tố mang tính hiện thực, vì có nó thì người chăm mới cảm nhận được cây cần gì muốn gì và ko muốn gì để mau chóng điều chỉnh cho chúng. Và cũng vì thế, tớ chia sẻ những kinh nghiệm trải nghiệm tớ có được với ban công nhà tớ, nhưng khi mọi người thử, nhớ theo dõi và điều chỉnh thêm cho thích hợp nhé.
Thường ai mới chơi hoa hồng đều được nghe yếu tố nắng là tiên quyết, từ 6 đến 8h thì mới đủ, thậm chí nhiều nhà vườn còn hỏi vườn người mua có nắng ko, nếu ko có nắng thì ko bán cây vì mắc công hồng ko sống được lại trách vườn.
Xịt nước cả mặt dưới lá để xua đuổi nhện đỏ
Tớ lâm vào thế phải chơi hoa ở nơi hoàn toàn ko nắng nên thử cố gắng xem sao. Và sau mấy tháng thử nghiệm nơi ko nắng, tớ kết luận nắng chỉ xếp ở hàng thứ 4 trong những yếu tố cần phải có.
– Yếu tố đầu tiên cần có là giá thể.
Điều này chắc ai cũng biết ha. Bạn cần phải có một giá thể tốt, đầy đủ dưỡng chất, thông thoáng và thoát nước thật tốt để bộ rễ cây hồng phát triển, bộ rễ khoẻ ta sẽ có một cây hồng chịu ăn uống, chịu ăn chịu uống thì mới khoẻ mạnh xinh đẹp được, giống một đứa trẻ vậy. Về giá thể chắc sẽ nên viết ở một bài riêng vì nó rất quan trọng đối với cây hồng.
– Yếu tố thứ hai không phải là nắng mà chính là nước và giữ cây sạch.
Nước giúp cây hồng có độ ẩm, luân chuyển chất tốt, massage cây giúp mầm lộc nẩy nhanh, giúp đất thải độc nhanh, “rửa” rễ giúp cây phát triển tốt hơn và rất quan trọng trong việc giữ cây sạch sẽ tránh bệnh tật cũng như các côn trùng gây hại cho cây
Có một đoạn thời gian tớ vật vã mãi vì cây bệnh hoài, chậm phát triển mặc dù giá thể tốt, phân bón đầy đủ, nhưng cây ko thể bật nổi, kể cả ở nơi nắng ngập tràn. Từ khi khám phá ra tác dụng của nước, mọi thứ biến chuyển khác hẳn. Vì thế bài này tớ chủ yếu nhấn mạnh đến yếu tố này.
Xịt nước cũng giúp massage cây
Hãy sắm một cái vòi xịt áp lực đủ mạnh để massage cây và thổi bay bọn ăn hại. Tớ có kèm hình mấy loại vòi tớ dùng và thấy ổn. Độ mạnh thì bạn phải tự thử, miễn đừng làm dập lá gãy cây, còn lại là cứ mạnh nhất mà bạn thò tay vào và cảm thấy mạnh nhưng ổn là được. Và cứ mỗi ngày tưới cây, bạn hãy xịt cho chúng, mầm sẽ bật một cách đáng ngạc nhiên luôn đấy. Bên cạnh đó, cây sạch sẽ xinh đẹp thì chẳng còn bọn ăn hại nào quấy rối nữa, cây hồng của bạn sẽ có một bộ lá bóng mướt khoẻ mạnh giúp cây phát triển tốt hơn.
Tớ thấy rất nhiều bài post hỏi cây bệnh này bệnh kia, và hình kèm theo, là những cây hồng có bộ lá rất dơ. Ko thuốc nào có thể trị dứt điểm bệnh cho những thân cây và bộ lá như thế. Tớ đã từng phải xịt thuốc mòn mỏi liên tục hai tháng, hết bệnh này lại nẩy bệnh khác mãi ko dứt và tái lại rất nhanh, phát ngán và muốn giơ tay đầu hàng luôn, và cây bệnh thì chỉ còi cọc, lá còn ko có để ngắm nói gì hoa. Muốn cây khỏi bệnh, đầu tiên bạn hay giữ cho chúng sạch sẽ bằng việc tắm táp mỗi ngày bằng vòi mạnh (xịt phun sương hay bấm lực bằng ngón tay ko đủ nhé). Kèm theo đó thì dùng thuốc để dứt bệnh và vẫn tưới nước đủ lực mỗi ngày tắm cây để phòng bệnh.
Chính vì tưới nước nhiều nên tớ mới cho yếu tố giá thể lên đầu, vì nếu giá thể ko tốt, tưới nước vậy là cây dễ bị úng và thảm cảnh xảy ra ngay.
– Yếu tố thứ ba là phân bón. Cho uống rồi thì phải cho ăn, phát mệt với bọn tiểu thư ấy …Ai cũng biết bọn hồng tuy tiểu thư nhưng lại thực như hổ, nên là đừng để chúng thiếu ăn, chúng sẽ ko thể phát triển bằng không khí và niềm tin đâu ạ.
Về phân bón thì hiện giờ thị trường có rất nhiều loại phân bón tốt cho cây hồng
Bạn có thể tham khảo đạm cá. Vì đạm cá dễ trôi và rễ hấp thụ được ngay, nên tớ tưới mỗi ngày với lượng đạm rất ít và lỏng. Mỗi ngày sau khi tưới cây xong, chờ đất chậu tương đối ráo, tớ pha đạm lỏng tầm 3 muỗng cà phê nhỏ cho lượng nước là 5 lít, đủ tưới cho khoảng 40 gốc hồng, nghĩa là mỗi gốc có tẹo thôi, hoà với chậu đất đang ẩm sẽ càng lỏng nữa, cây hấp thụ một ngày tầm đấy là đủ.
Khi pha đạm cá, tớ có hoà một tẹo vi trung lượng hoặc rong biển, mỗi ngày kèm một thứ và ít tẹo chỉ để vừa bổ sung cho cây, nhiều quá cũng bị trôi mất nên chỉ cần kết hợp vậy là đủ.
– Yếu tố thứ tư, giờ mới đến món nắng. Cho dù bạn có phục vụ em hồng nắng đẹp đủ đầy mà bạn thiếu ba yếu tố trên thì cũng vô ích, đặc biệt là yếu tố thứ hai, món nước mạnh và nhiều. Khi đủ ba yếu tố trên thì nắng mới góp phần giúp cây phát triển hơn.
Tớ giải quyết vấn đề nắng bằng cách chiếu đèn led giành riêng cho việc trồng cây. Bóng loại này có thể mua trên lazada, giá tuỳ theo công suất nhưng ko quá đắt, điện năng tiêu thụ cũng ko nhiều, hai bóng 5W tính ra chỉ mất vài trăm đồng tiền điện một ngày thôi. Sắp tới chắc tớ khi lắp bóng cố định tớ sẽ tăng thêm công suất đèn cho cây để đạt hiệu quả cao hơn.
Đương nhiên cây quang hợp bằng đèn ko thể bằng nắng trời tự nhiên nhưng ta đâu thể đòi hỏi hơn được đúng ko ạ. Hoa có thể nhạt màu hơn nơi nhiều nắng, lá có thể sẽ ko cứng bằng, nhưng bù lại nếu đủ ba yếu tố trên, bạn sẽ vẫn có những bông hoa rất to, form đẹp, chùm nụ tưng bừng, bộ lá tuy hơi mềm nhưng xanh mướt sạch đẹp, mầm chồi khắp cây nhìn cực kỳ đã mắt.
Và ưu điểm xem như lợi thế khi trồng cây ở ban công là…hoa nở sẽ lâu tàn hơn, ko bị bầm dập bởi mưa gió nắng nôi, cách ly nguồn bệnh tốt nếu bạn đảm bảo cho cây được sạch sẽ (có được từ yếu tố nước), hầu như ko bị các bệnh về nấm như khi trồng cây trong vườn đặt ở mặt đất.
Chính xác một cây hồng cũng chỉ cần nhiêu đó thứ thôi mà, vấn đề là mình kết hợp chúng thế nào cho hiệu quả nhất, và ko có nắng vẫn có giải pháp để chơi hồng.
Điều tớ muốn nhấn mạnh chính là yếu tố thứ hai. Vì nhìn tổng thể tớ thấy đa phần mọi người vẫn tưới đủ giữ ẩm cho cây, nhưng có vẻ ko chú ý đến việc làm sạch cây bằng nước. Cây dơ lá dơ thì ko thể nào tránh được bệnh trừ khi bạn dùng thuốc định kỳ cho cây như các nhà vườn. Cây ở vườn thật sự lá rất dơ nhé, bao nhiêu mầm mống bệnh tật tụ ở đấy, nhưng họ có những bí quyết để cây rộ hoa khi đến lứa và thuốc định kỳ để giữ cho cây ko bị hại. Nếu nhà có vườn và nhiều cây thì đúng là áp dụng kiểu như tớ ko xuể. Nhưng nếu nhà bạn chỉ có vài cái ban công be bé cùng với khoảng trăm gốc hồng đổ lại, việc dùng nước giữ cây sạch sẽ nhàn hạ và dễ chịu hơn rất nhiều so với việc vác bình thuốc đi xịt định kỳ.
Sở dĩ tớ hay nói đùa là hầu như đi ngược mọi điều nên làm khi trồng hồng là vì thế này.
Tổng hợp các bài học tớ học đầu tiên khi chơi hồng thường là, nắng phải nhiều nhé, phải đặt cây thưa ra cho chúng phát triển nhé, phải tưới sáng sớm và chiều dứt nắng thôi nhé, muộn hơn là nấm là đen thân là tá lả bệnh tha hồ phát triển đấy.
Thế nhưng tớ hoàn toàn ngược lại, ban công không tẹo nắng, cây đặt sát nhất có thể, chậu chồng chậu (chỉ có 1.5m x 3.8m tớ để tầm 40 gốc hồng, rất nhiều hồng leo và vẫn đủ chỗ cho mấy bữa nữa lót sàn gỗ kèm đặt ghế ngồi chơi đọc sách, hoặc 0.8 x1.2 m cho 9 cây hồng hệ leo), nói chung là cây đặc nghẹt, lá đặc nghẹt, toàn tưới cây từ 10 đến 12h đêm, canh me hàng xóm đi ngủ rồi mới dám xịt nước tung toé làm sạch cây.
Toàn ngược lại đúng không, vậy chứ cây vẫn đẹp, vẫn có hoa đẹp ngắm và không bệnh tật gì cả. Chỉ nhờ tớ giữ cho cây sạch.
Tóm lại
- Chọn giá thể tốt cho cây
- Hãy bứt bỏ mọi lá dơ lá xấu lá vàng mang mầm bệnh bỏ xa khỏi cây
- Xịt nước mạnh mỗi ngày giúp cây rửa sạch mọi bệnh tật, cách ly đừng mang cây bệnh hoặc có mầm bệnh vào khu đang cây đang khoẻ
- Cho ăn đầy đủ
- Bổ sung thêm đèn giúp cây quang hợp
- Phun dầu Neem (nhớ là loại nguyên chất) để phun phòng, khi cần thì trị bọ trĩ cho hoa hồng.
Hiện tại ngoài việc xịt nước mạnh, tớ dùng thêm món dầu Neem để đuổi bọn trĩ nhện lỡ vẫn còn lảng vảng đâu đó, thỉnh thoảng xịt lướt cho cây, thế là ổn.
Hy vọng mọi người sẽ thành công trong việc có một vườn hồng xinh đẹp mà ko cần dùng thuốc quá nhiều và ở cả nơi ko có nắng.
Nguồn Docneem sưu tầm.
Liên hệ với Docneem ngay qua hotline để được tư vấn chi tiết về sản phẩm bạn nhé.
—
Docneem – Giải pháp hữu cơ an toàn cho khu vườn của bạn
Mua ngay tại đây: https://docneem.com/collections/all
– Tiki: https://bit.ly/tiki-docneem
– Shopee HCM: https://bit.ly/DOCNEEM-shopee
– Shopee HN: https://bit.ly/DOCNEEMHN-shopee
– Lazada: https://bit.ly/lazada-docneem
Facebook: Docneem Việt Nam
Hotline tư vấn: 0988.221.985 – 0946.298.603