Nông nghiệp hôm nay – Trồng neem đẩy lùi sa mạc ở Ninh Thuận

trong-cay-nêm

Theo cách nói của các chuyên gia khí tượng, nếu Ninh Thuận được ví như “sa mạc” của Việt Nam thì xã Phước Dinh (huyện Ninh Phước) chính là “sa mạc” của Ninh Thuận.

Bởi nhiều thế kỷ qua, ngoài xương rồng, không một loại cây trồng nào có thể sống sót nổi trên vùng thung lũng núi cát khô cằn này (nhiệt độ trung bình luôn ở mức xấp xỉ 40OC). Nhưng đó là chuyện của hàng trăm năm trước. Còn giờ đây Phước Dinh đã khác rồi. Khác vì sự xuất hiện của cây neem (cây xoan chịu hạn) được trồng từ tám năm trước…

Rừng xanh, cây trái cũng… xanh

Trở lại Phước Dinh vào những ngày này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước thảm xanh bạt ngàn của cánh rừng neem, trải dài hơn 5km, từ chân núi Bàu Ngứ đến tận thôn Sơn Hải, trung tâm xã. Anh Nguyễn Trung Thông, một trong số những nông dân đầu tiên hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Phước trồng 6ha neem từ năm 1998, nói như khoe rằng từ năm ngoái hơn 800 cây neem của gia đình anh đã cho trái, bình quân 18-20 kg/cây.

Tôi nhẩm tính: với giá 20.000 đồng/ kg hạt được thương lái mua tại chỗ, thu nhập từ rừng neem của gia đình anh Thông ít nhất cũng hơn chục triệu đồng mỗi năm. Một khoản tiền không nhỏ đối với người dân vùng quê nghèo Bàu Ngứ này. “Tui và bà xã thống nhất rồi, chỉ xài khoản tiền công chăm sóc, bảo vệ rừng thôi.

Tiền bán trái neem để sắm sửa và dành dụm cho lũ nhỏ” – anh Thông bộc bạch vậy. “Nhỉnh” hơn anh Thông một chút trong làm ăn dựa vào hiệu ứng rừng neem, lão nông Phạm Gai đã định ra một kế hoạch phát triển kinh tế gia đình hẳn hoi bằng cách khai hoang, trồng thêm hoa màu và cây ăn quả cạnh tán rừng từ hơn hai năm trước, khi 4,5ha neem nhận khoán quản của ông vừa rợp bóng.

Lão nông Gai nói: “Sống ở đây mấy chục năm tôi biết chớ, cái vùng núi đá này làm gì có nước để trồng tỉa. Vậy mà từ sau ngày cây neem mọc được, mạch ngầm ở đâu không biết tự nhiên trồi lên…”. Vậy là lợi dụng sự “tự nhiên trồi lên của mạch ngầm”, lão Gai đã… ung dung thu về vài chục triệu đồng mỗi năm, từ mô hình vườn – rừng của gia đình mình.

Cây neem (tên khoa học là Azadirachta indica ajuss) có nguồn gốc từ Ấn Độ. Người ta ví cây neem như một tặng vật mà thiên nhiên đã ưu ái dành cho những vùng đất có khí hậu khắc nghiệt. Theo một số tài liệu khoa học, toàn thân cây neem là nguồn dược liệu quí, cây càng già thì dược tính càng cao (tuổi thọ của neem có thể đến 200 năm) có thể bào chế để chữa nhiều chứng bệnh như thủy đậu, tiểu đường, loét dạ dày, lao, phong… Lá cây neem chiết xuất thành nhiều loại mỹ phẩm có giá trị. Đặc biệt với chức năng thanh lọc khí hiếm có, đồng thời giữ được độ ẩm của đất, cây neem được các chuyên gia nông nghiệp xem trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội những vùng khô hạn.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của xã Phước Dinh, quanh khu vực rừng neem giờ đây đã có trên 200ha nương rẫy với đủ loại hoa màu như khoai, bắp, sắn, đậu… của gần 700 nông hộ quanh vùng. Vậy là từ chỗ nhận trồng rừng khoán quản để kiếm thêm chút tiền bù vào sự túng thiếu của gia đình, giờ đây hàng trăm hộ dân Phước Dinh như anh Thông, lão nông Gai, bà Thiêm, ông Xịch… đã biết tận dụng hiệu ứng điều hòa khí hậu, cải tạo môi trường của cây neem để sinh lợi bằng các mô hình nông nghiệp trú ẩn (rừng trên rẫy dưới), chăn thả gia súc ngay trên vùng đất từ bao đời nay chỉ mỗi cây xương rồng là sống được này.

Chuyện cây neem ngày mai

Ông Trần Xuân Hòa, nguyên giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận – người đầu tiên khởi xướng dự án “chống sa mạc hóa bằng cây neem chịu hạn”, mới đây đã quả quyết: ““Chảo lửa” Phước Dinh đã bắt đầu… “phát tiết” rồi đó! Có còn ai tỏ ra nghi ngờ nữa không?”.

Nếu tính luôn phần của nông dân bán lẻ cho thương lái ở TP.HCM thì số lượng ít nhất cũng gấp đôi. “Thấy bà con có thêm thu nhập chúng tôi cũng mừng. Nhưng tất cả mới chỉ là bước đầu. Vấn đề là làm sao tạo đầu ra ổn định cho hạt neem” – kỹ sư Đặng Kim Cương, trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Phước, nói.Không. Có lẽ ai cũng thấy “hiệu ứng cây neem” rồi. Chúng tôi cũng vậy. Bởi lẽ trong tổng diện tích 1.200ha neem toàn vùng hiện đã có khoảng 350ha cho trái. Tháng trước, khi vụ neem 2006 đang thu hoạch rộ, thông qua Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Phước, một doanh nghiệp Nhật Bản đã đến tận nơi mua “mở hàng” 6 tấn hạt khô với giá 20.000 đồng/kg.

Để thực hiện kế hoạch dài hơi cho cây neem Ninh Thuận, năm ngoái UBND tỉnh đã chấp thuận cho Tập đoàn KaNa (Nhật Bản) đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm sinh học từ trái neem.

Như vậy, trong hai năm tới, khi toàn bộ diện tích rừng neem ở Phước Dinh cho thu hoạch, ít nhất 60% trái neem sẽ có đầu ra chắc chắn. “Nhưng như vậy vẫn chưa ổn. Hiện chúng tôi đang mở rộng tìm kiếm đối tác là các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả các doanh nghiệp trong nước đủ mạnh để có thể bao tiêu sản phẩm trọn gói cho nông dân” – kỹ sư Cương cho biết.

Với “sứ mệnh” không chỉ hoàn thành việc phủ xanh đất trống đồi trọc khô cằn mà còn mang lại nguồn thu nhập khá, cây neem đã bắt đầu thân thuộc với một bộ phận không nhỏ nông dân Ninh Thuận. “Từ nay đến cuối năm 2006, ngành sẽ chuyển giao cây giống cho nông dân trồng khoảng 500 ha nữa, theo hướng rừng sản xuất hoặc phân tán với vốn nhà nước đầu tư 2 triệu đồng/ha” – ông Bùi Anh Tuấn, phó giám đốc Sở NN & PTNT Ninh Thuận, bật mí.

Theo tuoitre.vn