Tổng hợp các cách cắt tỉa cho hoa hồng

1. Mục đích và tầm quan trọng của việc cắt tỉa cho hoa Hồng

  Như các anh chị đã biết hoa Hồng được mệnh danh là “Nữ Hoàng của các loài Hoa”. Với vẻ đẹp kiêu sa và sức lôi cuốn đến lạ kì đã làm say đắm biết bao rung cảm tâm hồn mỗi người. Hoa Hồng không đơn thuần chỉ đại diện cho tình yêu, mà cao hn nữa nó còn mang ý nghĩa về tình bạn, tình cảm gia đình, lòng biết ơn, sự tri ân, kiếp nhân sinh, lẽ sống trong cuộc đời này thông qua màu sắc và số lượng bông hoa mà chúng ta dành cho nhau.

Cách cắt tỉa hoa hồng

Các cách cắt tỉa Hoa hồng (ảnh: VuGarden)

  Nhưng để trồng và chăm sóc ra được những cây Hồng có những bông hoa đẹp, khỏe mạnh, tỏa hương khoe sắc giữa cuộc đời không phải là dễ dàng đối với mỗi người. Để góp phần và giúp các anh chị “những tín đồ của hoa Hồng, những con nghiện hoa Hồng” đến được gần hơn với đam mê của mình. Hôm nay em xin chia sẻ một trong những công đoạn nhỏ, công việc nhỏ, trong tổng thể những công đoạn, công việc về chăm sóc cho hoa Hồng để mỗi người có được những cây hoa Hồng thật đẹp cho riêng mình. Đó là công đoạn cắt tỉa cho hoa Hồng, tuy là công đoạn nhỏ nhưng nó rất quan trọng trong các khâu chăm sóc cho hoa Hồng.
Vậy chốt lại câu hỏi đặt ra là cắt tỉa cho hoa Hồng để làm gì ? tại sao ta phải cắt tỉa cho hoa Hồng ?
 Thứ nhất: Ta cắt tỉa để tạo tán, tạo dáng, tạo diện mạo mới cho cây, để cây được đẹp hơn, mới hơn, gọn gàng hơn, xinh xắn đáng yêu hơn, nói chung là thẩm mỹ hơn. Như con người cũng phải thường xuyên “cải tạo chính mình”, “đổi mới chính mình”, “hoàn thiện chính mình”. Mà cái gì mới hơn, đẹp hơn, hoàn thiện hơn chả yêu hơn, cảm xúc được tích cực hơn, làm cho cuộc sống này được tốt đẹp hơn..
  Thứ hai: Ta cắt tỉa để kích cây, làm cho cây được phát triển tốt hơn, nhanh hơn. Đẩy nhanh chu kì tuần hoàn cho hoa mới của cây..Lấy ví dụ: “Sau mỗi chu kì cho hoa của cây từ giai đoạn bật mầm, đóng nụ, rồi bung hoa đến lúc hoa tàn dần, nếu anh chị cứ để những bông hoa đó được tàn tự nhiên trên cây mà không cắt tỉa bỏ đi, hoặc cắt để sử dụng những mục đích khác nhau thì những cây đó bao giờ cũng bật mầm mới kém hơn, lâu hơn, có nghĩa là chu kì cho hoa đó bị kéo dài hơn ra, vì nếu để thì những bông hoa đó trên cây cây tiếp tục cung cấp dinh dưỡng nuôi đến lúc héo cuống rụng đi hoặc tạo thành quả ở cuống hoa đó tùy ở giống hoa làm chậm quá trình cho hoa mới ở lứa tiếp theo”.
Thứ ba: Ta cắt tỉa để giúp cây được khỏe mạnh hơn, tăng trưởng lớn nhanh hơn bằng cách là cắt tỉa loại bỏ những cành tăm, cành khuất tán, thiếu ánh sáng, thiếu nắng, vì bản chất đa phần thực vật nói chung đều cần ánh sáng, cần nắng để lá cây quang hợp, tổng hợp dinh dưỡng để nuôi cây. Hoa Hồng cũng vậy, cần nắng thậm chí là cần nhiều nắng, anh chị cứ quan sát sẽ thấy những cành mù, cành thiếu ánh sáng thiếu ánh nắng đó bao giờ cũng nhỏ, cũng kém phát triển, mầm sẽ thui, điếc..mà cái thui, điếc này không hẳn là do trĩ nhện và các bệnh khác của Hồng gây ra nha..Mà do thiếu ánh sáng, thiếu nắng đấy, cành thiếu ánh sáng thiếu nắng bao giờ mầm cũng nhỏ, có cho hoa cũng nhỏ và xấu, lâu dần về cơ chế tự nhiên cây cũng sẽ tự bỏ những cành đó dần, nó sẽ khô xuống dần hoặc có sống thì cũng rất yếu..Điều này sẽ rất ảnh hưởng đến cây, làm cho cây phải phân chia dinh dưỡng đi nuôi chúng, làm cản trở quá trình phát triển của cây..Một điều nữa cây được cắt tỉa thông thoáng cũng sẽ góp phần giảm được Trĩ, Nhện, và các bệnh khác cho cây nhé.

Cắt tỉa hoa hồng

Loại bỏ những cành, lá, hoa bị yếu, tàn là mục đích của việc cắt tỉa

2. Cách cắt tỉa cho hoa Hồng:

a. Chuẩn bị dụng cụ:
Trước khi chuẩn bị tiến hành cắt tỉa ta phải chuẩn bị các dụng cụ: kéo sắc, bao tay, keo liền sẹo, vôi, cồn sát trùng, nơi giâm cành, hoặc ghép nếu muốn vì cắt xong ta thu được vô số cành để giâm, ngọn cũng như mắt ghép để nhân giống tùy vào số lượng cây to, nhỏ, nhiều hay ít cũng như số cành cần cắt tỉa của mỗi người, mà ta chuẩn bị được điều này càng sớm thì càng tốt do cành càng được để tươi mới càng giâm hoặc ghép ngay thì tỉ lệ sống càng cao.
Kéo sắc: Điều này quan trọng anh chị nhé, kéo càng sắc càng tốt, cắt phải ngọt, bén và không được rỉ sắt, cắt phải không được làm dập, nát cành, điều này vừa làm cảm giác dễ chịu, vui vẻ nhẹ nhàng cho người thực hiện vừa giúp cành nhanh liền sẹo ít tổn thương cành, cũng như làm giảm nhiễm khuẩn, nấm bệnh thông qua vết cắt ảnh hưởng đến sức khỏe của cây.

Chuẩn bị kéo sắc cho cắt tỉa hoa hồng

Kéo sắc là một trong những dụng cụ cần có trong việc cắt tỉa hoa hồng

  Keo liền sẹo, vôi, cồn sát trùng: Cái này anh chị có hoặc chuẩn bị được thì tốt, nếu không có hoặc không chuẩn bị được cũng được ạ. Khi quan sát và trải nghiệm thì em thấy rằng cây đã khỏe thì chỉ cần khi cắt đúng phương pháp, có một chiếc kéo thật sắc thì anh chị không cần keo liền sẹo hay thuốc sát trùng cành vẫn nhanh liền, ổn định bình thường, còn những cây đã yếu hay ủ bệnh rồi anh chị có bôi keo liền sẹo hay sử dụng thuốc sát trùng cành vẫn đen nấm bệnh bình thường ạ. Tuy nhiên em vẫn khuyến khích anh chị có dùng thì càng tốt, đảm bảo và yên tâm hơn ạ.
Bao tay: cái này tùy anh chị ạ, có thì dùng không thì thôi, các chị em phụ nữ thì nên dùng vì Hồng rất nhiều gai, gai rất cứng và sắc, để bảo vệ bàn tay búp măng trắng trẻo ngọc ngà của mình khỏi đau khỏi những vết sẹo ko đáng có thì nên dùng bao ạ. Riêng em thì em không dùng bao bao giờ thích để trần hơn, vì cảm giác nó thật hơn. Chính vì không dùng bao nên việc em bị chảy máu là xảy ra thường xuyên. Nhưng không sao là đàn ông mà đổ máu là chuyện bình thường nhỉ?
b. Tiến hành cắt tỉa:
Nên cắt tỉa những cành nào ? thời điểm nào? . Như đã nói ở trên ta nên cắt tỉa những cành tăm, cành khuất bóng, thiếu ánh sáng, thiếu nắng, cành xấu, bệnh, cắt tỉa đồng loạt sau khi cây đã gần tàn một chu kì hoa. Vì sao phải cắt những cành như vậy thì em đã nói ở phần tầm quan trọng của việc cắt tỉa ở trên rồi nên em không giải thích thêm nữa ạ. Khi tiến hành cắt tỉa nên cắt tỉa đồng loạt sẽ cho cây phát triển đồng đều, bật mầm đồng đều sẽ cho nhiều hoa và sai hoa hơn.
Về thời điểm để cắt cành thì ta có thể cắt tỉa quanh năm, cứ hoa gần tàn là nên cắt, vì anh chị có để để chụp choẹt thì hoa cũng sẽ không còn được đẹp nữa, cắt để lấy hoa sử dụng, cắt cho tức cây, kích cây, cho cây ra một chu kì mới hoa mới sẽ tốt hơn. Tuy nhiên sẽ có hai mùa là Xuân và vào Thu là ta có thể tiến hành tiến hành cắt mạnh tay, cắt sâu, cắt tổng lực được vì vào mùa xuân thời tiết thuận lợi cây cắt sâu cây vẫn phục hồi rất nhanh và sinh trưởng mạnh, thời điểm này cải tạo cây rất tốt. Còn về mùa Thu là thời điểm chuyển giao mùa bắt đầu thời kì đẹp nhất của hoa Hồng, các anh chị thấy đấy hoa Hồng nở đẹp nhất, fom chuẩn nhất, bông to nhất, đượm màu nhất, hương đượm nhất, hoa bền lâu tàn nhất là khi mùa có thời mát mẻ và khí hậu lạnh từ Thu-Đông và kéo dài sang cả Xuân, trừ mùa hè quá nóng các anh chị nhìn Hoa nhà mình thì ai cũng biết rồi, nên sang thu là thời điểm cải tạo cắt tỉa cây để bước vào thời kì rực rỡ nhất của hoa Hồng là rất tốt.
Cách cắt tỉa, phương pháp cắt tỉa như nào? Về cắt tỉa tạo tán, dáng cho cây thì em không mô tả chi tiết cụ thể anh chị nhé, vì cái này nó phụ thuộc vào thẩm mỹ và cách nhìn cây mà mình muốn hướng đến của mỗi người. Mỗi người sẽ có một ý tưởng khác nhau về nó, có khi như này thì thì đẹp với người này mà lại không đẹp với người khác. Vậy đấy. Về cơ bản ta cứ cắt tỉa sao cho cây được thoát, thoáng, gọn gàng, ít rườm rà, rối mắt quá là được. Còn hình dáng nghiêng, đổ, thẳng, cong, uốn lượn thế nào thì tùy mỗi người ạ.
Đi vào chi tiết cụ thể: Khi cắt tỉa ta nên cắt vát, chéo, nghiêng một góc khoảng 45 độ cành mà ta muốn cắt. Không nên cắt cành mà mặt cắt của cành phẳng hướng lên trời, điều này làm cho khi có nước vào, làm nước đọng lại không thoát đi ngay được hay các tác nhân có hại sẽ xâm nhập qua vết cắt nấm bệnh, vi khuẩn sẽ xâm nhập qua vết cắt nhanh hơn, sâu hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của cây, gây hại cho cây.

Cách cắt tỉa hoa hồng

Khi cắt tỉa ta nên cắt vát, chéo, nghiêng một góc khoảng 45 độ

  Nên cắt tỉa ở ngay bên trên điểm mấu của cành, chỗ lách lá, điểm phân nhánh của cành. Tránh cắt quá xa điểm mấu đó sẽ không tốt cho cây. Tuy nhiên cũng đừng cắt quá sát điểm mấu hay lách lá đó. Em quan sát cho thấy điểm mấu đó nó như là một lớp ngăn để cho cành nhanh liền, phục hồi tốt hơn, cũng như ngăn chặn được đen cành, khô cành đi sâu hơn vào bên trong cây. Cắt xa điểm mấu đó cành phục hồi kém hơn và đen cành, khô cành đi sâu hơn, nấm bệnh nếu có xâm nhập qua đó cũng nhanh hơn.
Cắt tỉa sâu bao nhiêu, như nào cho đủ, cái này thì tùy thuộc vào hiện trạng của cây, giống cây, nơi cây sống nữa anh chị nhé. Ở ta thì có thể khi hoa gần tàn ta cắt sâu vào 2, 3, 4 lách lá, thậm chí nhiều hơn tùy thuộc vào cây đó, ngọn nào quá yếu và nhỏ ta có thể cắt sâu hơn, ngọn mập hơn ta cắt vừa phải, đảm bảo khi cây bật mầm mới phát triển hài hòa, đồng đều khỏe mạnh là được.

3. Chăm sóc sau cắt tỉa:

a. Phun thuốc và bón phân:
Sau khi cắt tỉa anh chị có thể phun thuốc phòng trừ sâu hoặc nấm bệnh cho cây nhé..Nếu cây vẫn khỏe thì có thể phun phòng, cây có bệnh thì sau cắt tỉa phun thuốc trừ bệnh hiệu quả cũng sẽ cao hơn, phục hồi tốt hơn. Có điều nói thêm ở đây là có nhiều cách khác nhau để phun thuốc phòng trừ, trị bệnh cho Hoa, anh chị sử dụng theo phương pháp nào cho an toàn mà cây vẫn hết bệnh, phát triển tốt thì dùng ạ, có anh chị sẽ phải dùng đến thuốc hóa học, dùng thuốc sinh học, thuốc tự chế, thuốc hay sản phẩm ít hóa học an toàn hơn thì anh chị cứ tùy chọn ạ, em sẽ không đi sâu vào đó, vì nó thuộc chủ đề tranh luận khác. Mục này em chỉ đề cập đến là khi cắt tỉa xong có điều kiện anh chị có thể phun thuốc phòng cho cây, còn cây đang bệnh thì đương nhiên phải trừ rồi ạ. Hiện nay, trên thị trường có thuốc trừ sâu sinh học dầu neem nguyên chất ép lạnh Docneem, được mọi người tin dùng để trừ bọ trĩ, nhện đỏ, các loại nấm – rệp…

Phun thuốc trừ sâu bệnh

Phun thuốc trừ sâu bệnh sau cắt tỉa

  Sau khi cắt tỉa cần tiến hành bón phân giúp cây tăng năng lượng để bật mầm mới cho khỏe, sinh trưởng tốt. Thời kì này anh chị có thể bón các loại phân có hàm lượng Đạm và Lân cao để giúp cây chắc khỏe và mầm mới bật nhiều hơn. Tuy nhiên không nên lạm dụng quá nhiều phân đạm làm cây dễ bị sốc phân, hoặc phát triển một cách nhanh quá mức, làm lá quá bóng mượt, yếu, nắng to sẽ bị cháy lá hoặc sâu bệnh tấn công, bón quá nhiều lâu dài cũng không tốt cho việc cải tạo đất của cây. Hãy cân đối liều lượng thức ăn cho cây, tùy tình trạng cây to nhỏ, khỏe yếu mà bón, bón cân đối và nên đa dạng các loại phân cũng như tăng cường bón các loại phân hữu cơ, phân hoai mục như Gà, Bò, Dê..vv..Có điều kiện hơn anh chị có thể sử dụng các loại phân đắt tiền hơn từ Mỹ, Nhật và các chế phẩm vi sinh để cải tạo đất và hệ vi sinh vật cho cây phát triển tốt và bền vững. Nói chung sau một chu kì hoa cây thường bị mất sức nên sau khi cắt tỉa anh chị phải bổ sung lại dưỡng chất để chúng phục hồi lại sức lực chuẩn bị cho một lứa hoa mới được tươi đẹp và khỏe mạnh hơn.
b. Những lưu ý: 
Khi cắt tỉa cho cây anh chị không nên cắt tỉa vào lúc trời đang mưa hay vừa mới khi mưa xong nhé.

4. Cách cắt tỉa để nối dài một cây tree và biến cây bụi thành leo

  Về bản chất thì tên gọi và kết quả có thể khác nhau nhưng cách thực hiện thì lại giống nhau..
Hiện nay cây tree thì người ta thường nhắc đến hai loại là tree ghép và tree nguyên bản, tree ghép thì thường cố định ngay khi bắt đầu ghép rồi nên khó cải tạo lại được vậy ta không bàn đến. Ở đây ta cải tạo, đạo tạo chân dài cho tree nguyên bản nhé (em mặc định tree nguyên bản là cây được nhân giống ra từ chính cây mẹ đó, còn cụ thể định nghĩa về cây nguyên bản còn nhiều tranh cãi nên em cũng xin phép không tranh luận ở đây nhé). Ờ mà hay nhỉ giờ người ta lại thích cây tree chân phải dài, tức là dáng phải cao, phải thoát, chân phải dài như siêu mẫu cơ, hay nhỉ..? Con người lạ thế, đàn ông thích phụ nữ chân dài, chân phải dài mới thích, mới đẹp, lại còn chân dài là của Đại gia…Giờ đến cây cũng phải chân dài, mà cứ cái gì dài dài là thích hay sao ý.hihi..Khổ ghê cơ..Đó đó..Thích thì ta chiều thôi, sau đây em sẽ hướng dẫn các anh chị cách phẫu thuật để kéo cho chân dài ra, nhưng là ở cây nhé (cụ thể là hoa Hồng). Còn kéo chân dài ở phụ nữ thì em chịu, cái này là phải do bác sĩ, em không làm được.

Hoa hồng thân gỗ

Hoa hồng thân gỗ neem tree

  Cụ thể công việc như sau: Muốn kéo dài nó ra ta phải làm từng bước. Đầu tiên là lựa thế cây, thế cành để làm một cây tree. Có những cây có thế dễ làm, cây thì khó hơn nên ta phải lựa. Tức là trong một cây ban đầu có thể phân nhiều nhánh ta sẽ giữ lại một nhánh, một cành thẳng nhất, đẹp nhất đi lên để ta giữ lại để làm cây tree, còn đâu chiết hết, hoặc cắt bỏ hết những cành, nhánh còn lại xung quanh nó quanh gốc để nhân giống riêng. Khi đã giữ được cành thẳng ưu thế đó để làm tree rồi thường thì khi nó lên đến một chiều cao nhất định nó lại tiếp tục bật mầm và phân nhánh ngang ra xung quanh, nếu ta giữ lại những nhánh ngang đó để nuôi tán thì ta sẽ có một cây tree với chiều cao cố định tương đối như vậy. Nhưng không, ta muốn cho nó cao hơn, chân dài hơn nữa. Vậy công việc cần làm tiếp theo là ta lại chọn và giữ lại một nhánh duy nhất đẹp nhất, độ to tương đồng nhất để giữ lại từ chỗ phân nhánh đó, còn lại ta sẽ cắt bỏ hết những nhánh còn lại đi, sau đó dùng cọc thẳng cao, áp sát vào thân chống thẳng và lẹp cành đó lại dựng thẳng lên cố định sát bên cọc. Không biết em nói như này các anh chị có hình dung ra được không nhỉ..Dựng thẳng lên và ép sát cọc để nó giữ thế một thời gian nha..rồi cành đó sau này nó sẽ lại bật các mầm mới để phân nhánh, tán ngang..Lúc này anh chị có thể giữ lại để nuôi tán ngang thành một cây tree ở chiều cao mà anh chị ưng ý..ko thì lại làm tiếp như bước ở bên dưới chọn cành ưu thế duy nhất để giữ lại và loại bỏ những cành xung quanh để kéo, dựng lên đạt đến chiều cao mà anh chị ưng ý dừng lại và nuôi tán ngang để được một cây tree mà anh chị ưng ý..Vậy đó, cách làm là như vậy, công việc là như vậy, điều này đòi hỏi mất thời gian nên anh chị phải kiên nhẫn..(cách này rất thích hợp với cây cổ sapa vì lúc bật mầm dóng dài, thân mềm dễ uốn, và dựng mà sapa lại lớn nhanh nên đạo tạo nó cũng không tốn quá nhiều thời gian công sức nhiều như các cây khác).
Đó..ta xong cách đào tạo tree chân dài, giờ ta sang cách làm leo cho cây bụi, cụ thể là cổ sapa huyền thoại, về cơ bản cách làm cũng tương tự như vậy..Em cũng sẽ chọn cành ưu thế để nuôi và cắt tỉa các cành không cần thiết bỏ hết đi. Có điều khác chăng là ở đạo tạo leo thì không nhất thiết phải giữ lại một thân duy nhất mà anh chị có thể giữ nhiều cành ưu thế tùy vào thế cây, tạng cây, dáng cây ban đầu mà đào tạo, phần nữa anh chị phải định hình sẵn giàn mà anh chị muốn làm sau đó, là giàn vuông ngang hay giàn vòm cung, chiều cao bao nhiêu, kích thước như nào để uốn và dựng giàn và cắt tỉa cho hợp lý. Giàn vuông thì anh chị dựng sau khi đã lựa chọn được cành ưu thế cắt tỉa và chuyển sang giai đoạn nuôi tán ngang là anh chị phải làm để cho tán phủ giàn rồi, còn giàn vòm cung sẽ dựng trước cây được trồng, để khi trồng xuống ta tiến hành cắt tỉa cho cành, nhánh, ngọn bám theo hình vòm đã định sẵn..ok vậy ha.

5. Kết luận:

  Trên đây là toàn bộ những điều em chia sẻ với các anh chị về một khâu quan trọng trong tổng thể các khâu về chăm sóc hoa Hồng. Bài viết có thể còn nhiều thiếu xót, rất mong các anh chị đóng góp, góp ý để bài viết được hoàn thiện hơn. Bằng tình cảm và tấm lòng nhiệt thành nhất, mong muốn những người cùng niềm đam mê bất tận với hoa Hồng, yêu thiên nhiên, yêu cây cỏ hoa lá, vui vẻ với bản thân, tích cực với cuộc sống,sẽ trồng được những cây hoa thật đẹp cho riêng mình…Chúc anh chị thật nhiều sức khỏe và thành công ạ..!


Tinh dầu Neem – Giải pháp hữu cơ an toàn cho vườn hồng của bạn
📌Mua ngay tại đây: https://docneem.com/collections/all
– Tiki: https://bit.ly/docneem-tiki
– Shopee: https://bit.ly/docneem-shopee
– Lazada: https://bit.ly/docneem-lzd
– Sendo: https://bit.ly/docneem-sendo
📌Facebook: Tinh dầu Neem
📞Hotline tư vấn: 092.8888.208 – 0988.22.1985