Dự án khởi nghiệp “Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học gốc thảo dược thân thiện với môi trường, với hoạt chất azadirachtin chiết xuất từ hạt cây neem Azadirachta indica A. Juss trồng ở Việt Nam” của Công ty CP Khoa học Công nghệ Hóa Sinh đã nhận được hỗ trợ từ chương trình SpeedUp 2017 của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM để phát triển và hoàn thiện công nghệ sản xuất và đưa ra thị trường 3 sản phẩm bảo vệ thực vật sinh học vào cuối năm 2018
Thuốc bảo vệ thực vật từ cây neem
Dự án này được phát triển từ kết quả nghiên cứu của dự án “Sản xuất thử nghiệm hoạt chất azadirachtin ≥ 3% từ hạt neem Azadirachta indica A. Juss với quy mô 100kg hạt/ngày” do DS. Lê Thị Cúc là chủ nhiệm, Viện Công nghệ Hóa sinh Ứng dụng chủ trì, đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2010.
Theo GS.TS. Trần Kim Quy (đại diện nhóm nghiên cứu), trên thế giới, hiện nay người ta luôn nghiên cứu, tìm kiếm các loại thảo dược mới có tác dụng trừ sâu để bảo vệ hoa màu hữu hiệu mà không làm ô nhiễm môi trường. Trong các loại thảo dược có thể dùng để điều chế thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), cây Neem là tốt nhất và có sản lượng cao nhất, đủ để sản xuất thuốc trừ sâu ở quy mô công nghiệp.
Tại Việt Nam, tỉnh Ninh Thuận có khoảng 1.800 ha rừng neem. Ngành nông nghiệp tỉnh này cũng phát triển trồng rừng phòng hộ với cây neem, với kế hoạch trồng được 10.000 ha rừng neem đến năm 2020. Theo tính toán, lượng neem ở Ninh Thuận có thể cung cấp cho một nhà máy chế biến hạt neem quy mô 12.000 tấn hạt/ngày.
Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để sản xuất rau củ quả an toàn sử dụng trong nước và xuất khẩu, nên dùng thuốc BVTV sinh học (có nguồn gốc thảo mộc như azadirachtin, dầu neem,…).Tuy nhiên, các thuốc BVTV sinh học này, ở nước ta đến nay, chưa có đơn vị nào sản xuất. Một số đơn vị đã nhập azadirachtin từ nước ngoài về pha chế, bán ra thị trường với giá thành khá cao, nông dân không ưa chuộng. Dầu neem (có tác dụng xua đuổi côn trùng và diệt các ký sinh vật trên gia súc, gia cầm như ve, rận, mạt,…) cũng chưa có đơn vị nào trong nước sản xuất, trong khi sản phẩm nhập giá thành cũng rất đắt. Phân bã neem, do chứa khoảng 0,02% azadirachtin, với hàm lượng chất hữu cơ và đạm tổng số rất cao, ngoài khả năng cung cấp chất hữu cơ cho đất còn diệt được tuyến trùng, các loại kiến, mối, sâu bệnh trong đất giúp cho đất sạch hơn và trồng cây tươi tốt hơn.
Dự án nghiệm thu năm 2010 (sản xuất thành công 3 sản phẩm từ cây neem gồm chế phẩm Limo AZ 3%, dầu neem và phân neem hữu cơ) đã cho thấy khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại nhập ngoại. Kế thừa kết quả này, dự án đổi mới sáng tạo dự kiến sẽ phát triển và đưa ra thị trường 3 sản phẩm gồm: thuốc trừ sâu rầy Limo I 0.3EC, thuốc trừ nấm bệnh Limo F 0.1EC và phân hữu cơ sinh AZA 250SP trị tuyến trùng trong đất. Limo I 0.3EC có chứa 0.3% azadirachtin, có tác dụng diệt được nhiều loại sâu rầy phá hại cây trồng, không lưu bã độc làm ô nhiễm môi trường, nên rất hữu hiệu trong việc sản xuất rau củ quả an toàn. Limo F 0.1EC chứa 0.1% azadirachtin, có tác dụng diệt và phòng trừ nhiều loại nấm bệnh trên cây trồng, không lưu bã độc làm ô nhiễm môi trường, hiệu quả trong sản xuất rau củ quả an toàn. AZA 250 SP là phân hữu cơ sinh học dạng bột rắc có chứa 250mg azadirachtin/kg, đầy đủ các dưỡng liệu N, P, K và có tác dụng diệt được các tuyến trùng, nấm bệnh trong đất, hữu dụng trong việc bảo vệ cây trồng. Quy trình công nghệ sản xuất 3 sản phẩm này đã được nhóm nghiên cứu đăng ký cấp bằng độc quyền sáng chế và đang trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục cấp bằng bảo hộ.
Lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nghiên cứu trong nước
Thị trường tiêu thụ thuốc BVTV ở nước ta hiện nay rất lớn. Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, hàng năm cả nước nhập khoảng 300 ngàn tấn thuốc BVTV các loại, giá khoảng 1,5 tỷ USD. Thuốc BVTV trên thị trường trong nước chủ yếu gồm các loại nhập từ nước ngoài (nhập các nguyên vật liệu và hóa chất phụ trợ rồi phối trộn, vô chai, đóng gói và bán thành phẩm ra thị trường) rất độc hại, gây ô nhiễm môi trường và làm độc nguồn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe con người. Nhà nước đã có chủ trương phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hữu cơ an toàn và bền vững, nhằm thay thế dần thuốc BVTV tổng hợp nhập ngoại bằng thuốc BVTV sinh học gốc thảo dược. Bên cạnh đó, nông nghiệp nước ta ngày càng phát triển theo hướng thâm canh, an toàn và bền vững nên thị trường thuốc BVTV sinh học gốc thảo dược sẽ ngày càng tăng.
GS.TS Trần Kim Quy cho biết, dự án đang được Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM hỗ trợ triển khai. Hiện đã có nhiều công ty liên hệ để đặt mua các sản phẩm thuốc BVTV sinh học gốc thảo dược và phân hữu cơ sinh học do nhóm sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước. Có thể thấy, những lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nghiên cứu trong nước là công nghệ có tính hiện đại, ngang tầm với thế giới. Ưu điểm của công nghệ là thu hồi được toàn bộ dung môi để tái sử dụng và tận dụng tất cả phế liệu (vỏ, bã hạt neem) để làm phân bón hữu cơ sinh học, không phát thải ra môi trường. Đồng thời, các thiết bị cũng được thiết kế và chế tạo trong nước nên có giá thành thấp; toàn bộ nguyên liệu sản xuất cũng sử dụng từ nguồn sẵn có trong nước, nên giúp hạ giá thành sản phẩm (chỉ bằng khoảng 80% giá thuốc tổng hợp ngoại nhập). Ngoài ra, 3 sản phẩm của dự án đều được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM công nhận là hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN, nên được hưởng những ưu đãi về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhờ được đánh giá là thân thiện với môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, các nông sản sử dụng thuốc BVTV gốc thảo dược không lưu lại bã độc, nên có thể xuất khẩu đến các thị trường khó tính bên ngoài, qua đó tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân. Vì vậy, sản phẩm của dự án này có thể tin cậy hoàn toàn về tiềm năng phát triển cũng như thị trường, phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp hữu cơ an toàn và bền vững.
Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Kim Quy, khó khăn lớn nhất của dự án là thủ tục xin cấp phép đưa thuốc BVTV ra thị trường quá lâu. Để được phép lưu hành, thuốc BVTV phải đăng ký vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Riêng thời gian đăng ký đã mất 12 tháng. Hiện, nhóm đã nộp hồ sơ đăng ký cho 3 sản phẩm của dự án. Đồng thời, đang từng bước đưa sản phẩm của dự án tiếp cận thị trường, thông qua một số khách hàng thân thiết, qua khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng về tác dụng của thuốc trên một số cây trồng chủ lực, nhằm tối ưu hóa công thức pha chế.
Dự kiến, cuối năm 2018 thuốc BVTV sinh học của dự án sẽ được đưa vào thị trường, với khoảng 40 công ty, hợp tác xã nông nghiệp và nhóm khách hàng mua và sử dụng. Công ty Hóa Sinh sẽ xây dựng nhà máy ở Ninh Thuận để sản xuất và kinh doanh rộng rãi các sản phẩm này.
Nguồn: CESTI