Ninh Thuận là tỉnh khô hạn nhất cả nước, thường xuyên đối phó với tình trạng biến đối khí hậu. Từ nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh này đã thực hiện trồng rừng chịu hạn nhằm ngăn chặn hiện tượng sa mạc hóa. Dự án trồng rừng neem (còn gọi là xoan chịu hạn) trên vùng đồi cát khô cằn tại huyện Ninh Phước là một trong những mô hình đã triển khai mang lại hiệu quả thiết thực.
Nói đến Ninh Thuận, ai cũng nghĩ ngay đến những đồi cát trắng hoang hóa, cằn cỗi, thiếu nước quanh năm. Hơn 10 năm trước, vùng đồi trọc ven biển Phước Dinh là như vậy. Nhưng không ai ngờ rằng hôm nay vùng hoang hóa này đã biến thành những cánh rừng xanh tươi, rợp bóng mát. Từng hàng cây neem cao lớn, ngay hàng thẳng lối đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Phước tiếp tục trồng rừng tại những nơi chưa phủ xanh.
Anh Cao Văn Chương, cán bộ Trạm bảo vệ rừng Bàu Ngứ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Phước kể rằng, lúc cây neem mới trồng xuống, nhân viên bảo vệ rừng của trạm rất vất vả, vì ở khu vực này, có rất nhiều gia súc thả chăn như: dê, bò, cừu…, thường xuyên phá phách rừng mới trồng. Anh em phải phân công nhau trực, kiểm tra từ sáng đến tối.
Khi rừng trưởng thành, công tác bảo vệ lại càng nghiêm ngặt hơn: “Lúc cây rừng lớn lên, người dân lại vào chặt cây. Vì vậy, lúc nhỏ bảo vệ đã vất vả giờ lớn lên lại bảo vệ cây lớn lại vất vả hơn nữa”.
Ngồi dưới rừng neem rợp bóng, ông Trần Ngọc Hiếu, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Phước, nhớ lại: vào năm 1997, nhiều đồi cát ven biển có nguy cơ bị sa mạc hóa, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đã nhập 100 kg hạt giống từ Ấn Độ và 50 kg từ Châu Phi về gieo ươm, sau đó tổ chức trồng tập trung với quy mô 60 ha trên địa bàn xã Phước Dinh.
Sau vài năm thử nghiệm, nhận thấy rừng neem có khả năng chịu hạn ở các đồi cát ven biển, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Phước đã sử dụng hạt giống thu được tại chỗ để gieo ươm và trồng phân tán hơn 1.500 ha đến nay phát triển xanh tốt. Ông Trần Ngọc Hiếu, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Phước nói: “Hiệu quả của việc trồng cây neem trong những năm qua, trước hết phải nói đến hiệu quả về môi trường như chúng ta thấy đó nay đã có màu xanh trên những thảm trước đây hoang mạc hóa. Mạch nước ngầm dưới đây rất là tốt, tạo điều kiện cho người dân có nguồn nước để phục vụ chăn nuôi và sinh hoạt”.
Trồng và giữ được hơn 1.500 ha rừng neem mang lại hiệu quả như thế không phải là điều dễ dàng. 23 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng trong đơn vị đã nỗ lực rất lớn. Cũng từ hiệu quả mang lại, Ban quản lý Rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước đã nhận được sự cộng tác tích cực của người dân địa phương.
Rừng neem sau 10 năm phát triển
Ông Nguyễn Văn An, nông dân ở xã Phước Nam, nhiều năm cùng tham gia trồng rừng tại địa phương khẳng định: “Bây giờ chúng tôi chủ yếu là trồng rừng. Vùng đất ở đây năm nào cũng hạn hán, nhờ có trồng rừng để giữ nước cho bà con sản xuất ở dưới”.
Vào mùa mưa năm nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Phước tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng, mới đây đã trồng mới thêm 80 ha cây neem và 40 ha cây phi lao trên các đồi cát ven biển chưa phủ xanh.
Ông Lê Xuân Hòa, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Phước cho biết: “Về phía đơn vị quản lý rừng, cứ đến mùa mưa, những diện tích nào còn sa mạc hóa, anh em hằng năm vẫn cứ trồng làm sao phủ kín hết và tạo vành đai rừng để nó giữ được mạch nước ngầm cho bà con có điều kiện canh tác nông nghiệp”.
Trước tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt, mô hình trồng rừng tại Ninh Phước cho thấy hiệu quả lâu dài của việc trồng neem chịu hạn. Mô hình này đang được nhân rộng và có lẽ vài năm nữa thôi, những đồi cát hoang hóa ven biển Ninh Thuận sẽ mọc thêm những cánh rừng xanh ngát, giúp chắn gió, chắn cát, ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa.